Thông tin này được đưa ra tại hội nghị khoa học Hội Hô hấp Việt Nam - Hội Phổi Pháp - Việt tổ chức ở Quảng Ninh ngày 4-11 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp và 30 năm hợp tác y tế Pháp - Việt.
Hơn 1.000 chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài nước đến từ Pháp, Úc, Mỹ tham gia cập nhật những tiến bộ mới nhất của thế giới trong chuyên ngành hô hấp, nhận diện những thách thức mới trong khám chữa bệnh giai đoạn sau COVID-19,
Theo các chuyên gia, tình trạng tổn thương trên phổi ở người mắc COVID-19 kéo dài không chỉ vài tháng như nhiều người bệnh vẫn nghĩ mà đến 1-2 năm vẫn còn tổn thương với di chứng xơ phổi.
Hơn 1.000 chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài nước đến từ Pháp, Úc, Mỹ... tham dự hội nghị ngày 4-11
GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong các quốc gia gia tăng kháng kháng sinh những năm gần đây.
Nguyên nhân là do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Trong đại dịch COVID-19, nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, lao không được chẩn đoán và điều trị do các phòng khám ngoại trú đóng cửa. Người dân lo sợ, hạn chế đi khám, do đó có thể mầm bệnh không được ngăn chặn triệt để, nguy cơ lây lan và kháng thuốc.
Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) - những kháng sinh đầu tay ưu tiên được lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng có 3 loại chính là nhóm penicilin, cephalosporin và macrolid. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã công bố tại Việt Nam và thế giới cho thấy hiện nay, độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh này có xu hướng giảm dần, thậm chí mức độ đề kháng đang ở mức cao, đáng báo động.
Theo GS-TS. Hans Liu (Bệnh viện Bryn Mawr-Mỹ), thế giới đang thiếu các phát minh về nhóm kháng sinh mới. Hơn 10 năm trở lại đây không có phát minh về kháng sinh mới, trong khi số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng mạnh, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
"Sử dụng kháng sinh hợp lý, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng tại các cơ sở ngoài bệnh viện. Dùng kháng sinh tốt nhất cho chỉ định, ngừng dùng kháng sinh khi không còn cần thiết với liệu trình ngắn hơn để giảm đề kháng kháng sinh" - GS Hans khuyến cáo.
Trong một báo cáo năm 2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở Mỹ tăng cao hơn đáng kể vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Trong số này, nhiều loại có khả năng kháng kháng sinh hoặc thuốc chống nấm. Một số nghiên cứu khác về để kháng kháng sinh sau đại dịch COVID-19 như nghiên cứu ở Hàn Quốc, Mỹ cũng cho thấy sự gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc.
Theo PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, Việt Nam đã chính thức công bố với thế giới chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều. Những năm qua, các nhà khoa học chuyên ngành hô hấp Việt Nam đã tăng cường, hợp tác khoa học quốc tế để cập nhật kiến thức khoa học về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh lý hô hấp.
Bình luận (0)