Nhiều hệ lụy khi sử dụng thuốc lá điện tử
Sáng 23-11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết những thông tin cập nhật về tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội nghị
Theo đó, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các tổ chức quốc tế, Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và UBND các tỉnh, thành phố, công tác phòng, chống tác hại của thuốc đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).
Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỉ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, đối với lứa tuổi học sinh từ 13 - 15 tuổi, tỉ lệ sử dụng thuốc lá có giảm từ 3,5% năm 2014, xuống 2,7% năm 2022. Trong đó nam giới giảm từ 6,3 xuống 4%, nữ giới tăng nhẹ từ 0,1% năm 2015, lên 0,2% năm 2020. Tỉ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) tại các địa điểm công cộng cũng giảm, như: tại nơi làm việc giảm từ 42,6 xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9 xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7 xuống 78,1%; Tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1 xuống 86,2%.
Tuy nhiên, điều đáng báo động là thuốc lá điện tử dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỉ lệ sử dụng đã ở mức cao hơn tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở cả thanh niên nam và nữ.
Đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Từ thực tế điều trị bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khẳng định thuốc lá điện tử là một sản phẩm gây hại. Nó không phải thức ăn, nước uống, không phải là thuốc chữa bệnh, chỉ mang tính chất giải trí nhưng tác hại của nó vô cùng lớn.
"Hầu như tuần nào trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Trường hợp gần đây nhất là một bệnh nhân nam, 17 tuổi, hút cả thuốc lá thường và thuốc lá điện tử, nhập viện ngày 21-11. Bệnh nhân nhập viện với trạng thái hoảng hốt, có biểu hiện rối loạn ý thức, không thể giao tiếp, kích động co giật, kích thích, vã mồ hôi. Đây là các triệu chứng điển hình của tình trạng ngộ độc"- bác sĩ Nguyên nói.
Sản phẩm thuốc lá điện tử có hình giống như một hộp sữa
Bác sĩ Nguyên cho biết thuốc lá điện tử mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng đã ở giai đoạn nở rộ. Nó hoàn toàn có hại nên phải cấm tuyệt đối để bảo vệ thế hệ trẻ tương lai. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá mới còn làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu ở giới trẻ, cản trở nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá.
Theo bác sĩ Nguyên, hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn rất nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Đây là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine. Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử chứa rất nhiều hóa chất, đều là các hóa chất nhân tạo tổng hợp. Điều này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
"Thuốc lá điện tử chứa quá nhiều chất, phức tạp hơn cả thuốc lá truyền thống. Nó còn là nơi "núp bóng" của ma túy thế hệ mới, cần sa tổng hợp. Hiện nay cần sa tổng hợp chủ yếu tồn tại dưới dạng thuốc lá điện tử, một số ít tồn tại dưới dạng cỏ Mỹ"- bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Các bác sĩ cũng cảnh báo thuốc lá điện tử khó xét nghiệm, khó kiểm tra, chứa toàn các loại hóa chất mới, độc tính rất mạnh, không khác gì ma túy đá, thậm chí phức tạp hơn. Có quá nhiều vấn đề bệnh tật liên quan đến thuốc lá điện tử. Khói hít vào người là hít vào đường hô hấp, hấp thu gần như 100% giống như tiêm thuốc thẳng vào tĩnh mạch, tiêm hóa chất trực tiếp vào máu.
Việt Nam cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha). Đồng thời, nỗ lực hơn trong phòng chống buôn lậu thuốc lá mới, kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng.
Bình luận (0)