Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) đã chạy đua với thời gian để phẫu thuật cứu một cháu bé vô tội là nạn nhân của một bi kịch gia đình. Cháu bé chỉ mới 20 tháng tuổi (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã bị chính cha ruột của mình đâm thấu ngực, thủng cơ hoành, dạ dày, lá lách sau khi ông ta tước đoạt mạng sống của người vợ.
Đủ kiểu bạo hành
Sự việc đau lòng nêu trên xảy ra lúc 2 giờ. Thời điểm này, cha mẹ của cháu bé cãi vã và người cha cầm dao đâm luôn cả 2 mẹ con. Người vợ không qua khỏi, còn cháu bé được chuyển đến bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm với tình trạng đầy nguy kịch.
Nhớ lại ca bệnh này, TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, vẫn còn nguyên cảm xúc. “7 giờ nghe điện thoại phát lệnh, ngay sau đó
ê-kíp gây mê, hồi sức và phẫu thuật viên đã có mặt tại phòng cấp cứu, đánh giá tình trạng bệnh nhi. 10 phút sau, phòng mổ đã sẵn sàng tiếp nhận với máu dự trữ đầy đủ. Cuộc mổ kết thúc khoảng 2 giờ rưỡi. Chúng tôi chưa kịp ăn sáng, uống cà phê nhưng cảm thấy thật nhẹ nhõm vì ít ra đã cứu được một mái đầu xanh vô tội” - Bác sĩ Định kể.
Một vụ bạo hành khác cũng xảy ra mới đây tại miền Tây khiến người vợ trẻ suýt chết. Đó là trường hợp của chị T.T.B.T (24 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Khoảng 22 giờ, chồng chị đi nhậu với bạn bè về nhà và cả hai xảy ra cãi vã. Chồng T. đã dùng chiếc bình hoa đập mạnh vào đầu vợ khiến chị choáng váng, lăn ra bất tỉnh. T. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cấp cứu nhưng bác sĩ phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) vì chị bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu, liệt nửa người...
Các bác sĩ đã phẫu thuật mở hộp sọ, giải áp máu tụ... để cứu bệnh nhân. TS-BS Nguyễn Ngọc Khang, Phó trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện thường tiếp nhận cấp cứu, điều trị một số nạn nhân do bạo hành gia đình nhưng chưa gặp ca nào nặng như ca này.
Theo PGS-TS-BS Đoàn Thị Ngọc Diệp (Bệnh viện Nhi Đồng 2), Khoa Cấp cứu và phòng khám ngoại trú của bệnh viện luôn tiếp nhận 2%-10% trẻ là nạn nhân của bạo hành hoặc bị bỏ rơi. Bác sĩ Diệp dẫn ra một khảo sát tại một trường trung học ở Việt Nam cho thấy 39,5% trẻ bị lạm dụng về tinh thần, 46,5% lạm dụng thể chất, 19,7% lạm dụng tình dục, 29,3% bị bỏ bê, chưa kể tỉ lệ trầm cảm và lo âu.
54% phụ nữ bị bạo hành tinh thần
Các chuyên gia cho biết bạo hành đối với phụ nữ là bất kỳ hành động bạo lực nào trên cơ sở giới gây ra hoặc có thể gây ra tổn hại cho phụ nữ về mặt thể chất, tình dục hoặc về tâm lý hay kinh tế. Bạo hành phụ nữ vi phạm nghiêm trọng những quyền con người cơ bản nhất và mang màu sắc bất bình đẳng giới, là nguyên nhân hàng đầu gây ra các tổn thương và dẫn đến cái chết của nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Tại Việt Nam, kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đã xác định 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành thể chất trong đời, 10% từng bị bạo hành tình dục, 54% phải chịu bạo hành tinh thần. Nếu xem xét đến cả 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành gia đình kể trên.
Riêng tại TP HCM, một nghiên cứu được Trường ĐH Y Dược công bố mới đây cho thấy nạn bạo hành gia đình đang là vấn đề báo động. Theo th.S Nguyễn Ngọc Hạnh Tuyền (Phòng Y tế quận Tân Phú, TP HCM), khảo sát trên 400 phụ nữ (từ 18 đến 60 tuổi) sinh sống tại TP HCM cho thấy 57,3% bị bạo hành gia đình, trong đó bị bạo hành về tinh thần là 88,7%, bạo hành thể chất 60,6% và bạo hành về tình dục 8,1%. Các cuộc bạo hành này may mắn đã được phát hiện kịp thời và có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Nếu khảo sát trên thực tế, số phụ nữ bị bạo hành gia đình có thể còn lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, cuộc nghiên cứu còn ghi nhận 61% phụ nữ hiểu biết không đầy đủ về Luật Phòng chống bạo lực gia đình Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng bạo hành gia đình diễn ra rất phức tạp, đan xen nhiều hình thức khác nhau, như bạo hành giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau. Đặc biệt, phụ nữ đang có chồng có nguy cơ cao bị bạo hành. Bạo hành gây ra những hậu quả khôn lường, ngoài tổn thương thể chất còn có tổn thương tinh thần rất khó chữa trị.
Trước tình trạng này, các chuyên gia đề xuất cần giảm bạo hành gia đình thông qua việc phá vỡ sự im lặng, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, cần có những hành động cấp bách để ngăn ngừa, đối phó với vấn nạn này.
Cứ 3 phụ nữ, 1 người bị đánh đập
Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có ít nhất 1 người bị đánh đập, bị cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc bị lạm dụng trong cuộc đời của họ.
Ở trẻ em, bạo hành dẫn đến các hệ quả lâu dài về tâm lý, xã hội và cảm xúc, chưa kể tình trạng trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, không có mối quan hệ tốt với bạn bè đồng trang lứa, thành tích học tập kém và sa sút trí tuệ.
Bình luận (0)