PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng khi đi học trực tiếp trở lại, cha mẹ và thầy cô giáo cần dạy trẻ biện pháp phòng ngừa, thường xuyên rửa tay với nước và xà bông, hay bằng dung dịch sát khuẩn, mang khẩu trang.
"Mệt" vì con học online
Một số địa phương trong đó có TP HCM đã cho học sinh khối lớp 9 và 12 trở lại trường học. Biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 cho các em trong độ tuổi học sinh ở giai đoạn dịch bệnh hiện nay là điều các bậc phụ huynh rất quan tâm.
Chị Trần Lê An - quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội; có 2 con học lớp 3 và lớp 7 - cho biết do dịch bệnh nên các con đã vào năm học với chương trình học trực tuyến, nên chị vẫn phải tạo nếp sinh hoạt như khi các con đến trường bình thường.
"Hai con đều học buổi sáng, dù học trực tuyến, bố mẹ không mất thời gian đưa con đến trường nhưng hơn 1 tháng nay tôi đều rèn cho các con phải dậy sớm, ăn sáng đầy đủ rồi mới vào tiết học. Thậm chí, sau những tiết học trực tuyến, các con cũng được nhắc nhở đứng dậy vận động khoảng 2-3 phút cho đỡ buồn ngủ" - chị An nói.
Trong khi đó, chị Phạm Huyền Trang (ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) than thở khi phải rèn cậu con trai vào lớp 2 học trực tuyến. Theo chị Trang, mấy tháng qua, do giãn cách xã hội, con được ngủ nướng rồi bỏ bữa sáng, ăn uống không điều độ, thức khuya... nên từ khi vào năm học mới, cả nhà lúc nào cũng phải có một người kèm cặp, nhắc nhở liên tục để con không ngủ quên, ngủ gật trong lúc học trực tuyến.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc giãn cách xã hội vừa qua khiến phụ huynh và trẻ bị rối loạn về giờ giấc sinh hoạt. Thực tế có không ít cha mẹ nuông chiều con ngủ nướng, bỏ bữa hoặc ăn uống tùy tiện không theo giờ giấc đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng kể cả khi các con ở nhà học trực tuyến, phụ huynh vẫn nên tạo nền nếp sinh hoạt, dậy sớm, ăn đủ 3 bữa chính và thêm các bữa phụ. Khi vận động, ăn ngon miệng hơn mới bảo đảm đủ dinh dưỡng. Nhắc nhở con dậy sớm, tập thể dục vận động như nhảy dây, nhảy qua chướng ngại vật, làm việc nhà như lặt rau, lau dọn nhà cửa... Việc vận động 1 giờ/ngày sẽ giúp các bé khỏe hơn, tiết ra chất hormon tăng trưởng, đồng thời giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon hơn.
Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) trong ngày đầu tiên (13-12) đến trường học trực tiếp. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Dinh dưỡng sao cho phù hợp
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng để trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cha mẹ cần chú ý đến dinh dưỡng của con, cung cấp theo nhóm tuổi. Bốn nhóm dinh dưỡng cần bảo đảm là chất bột đường, đạm, chất béo và vitamin.
"Nhiều bố mẹ có hỏi về việc uống vitamin C và ăn hoa quả có vitamin C để tăng cường miễn dịch cho con trẻ. Đúng là vitamin C có trong rau nên cần rửa sạch rau trước khi thái nhỏ. Khi nấu canh cho thịt vào trước, thịt gần chín mới cho rau vào để giữ vi chất dinh dưỡng như vitamin C. Khi cho con uống nước trái cây, cần uống ngay sau khi ép hoặc vắt nước. Như nước cam, nếu vắt xong vài giờ mới uống sẽ làm giảm vitamin" - PGS-TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng muốn con trẻ khỏe mạnh thì dinh dưỡng cần phải đặt lên hàng đầu. Dinh dưỡng cần phải phù hợp để không quá dư thừa dinh dưỡng gây béo phì hoặc không bảo đảm dinh dưỡng ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ. Thừa và thiếu dinh dưỡng đều dẫn tới tình trạng trẻ có sức đề kháng kém.
Nhiều phụ huynh ngộ nhận cho con ăn nhiều sẽ khỏe mạnh, đề kháng tốt và ít bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại. Tuy nhiên, chế độ ăn quá đà, mất cân đối khiến trẻ thừa cân, thiếu chất, ngược lại đe dọa đến sức khỏe của trẻ nhiều hơn.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, béo phì hiện nay được coi là bệnh nền. Béo phì do rối loạn chuyển hóa, gây ra tình trạng mỡ xấu, đường máu, huyết áp tăng và dễ tổn thương hơn trước Covid-19. "Ở người béo phì không chỉ gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 mà cả các bệnh truyền nhiễm khác nữa, chẳng hạn như sốt xuất huyết và việc chữa sốt xuất huyết cho người béo phì sẽ khó khăn hơn" - PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.
Giới chuyên môn cũng khuyến cáo cha mẹ cần chuẩn bị tư tưởng giao mùa có thể làm cho dịch bệnh gia tăng trở lại. Bởi một số nước cho học sinh đi học trở lại và dịch lại bùng lên. Dù các thống kê cho thấy đại bộ phận trẻ em miễn nhiễm với dịch Covid-19 tốt hơn người lớn, tuy nhiên cần chuẩn bị tâm lý trước là có thể số ca nhiễm ở trẻ em tăng lên và chuyển biến nặng có thể nhiều hơn.
Bình luận (0)