Theo giới chuyên môn, bệnh Covid-19 có xu hướng diễn tiến nặng hơn ở những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền mạn tính như các bệnh gan, thận, tim và phổi...
Nguy cơ từ các bệnh nền
ThS-BS Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung và cao huyết áp nói riêng là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. Tỉ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường.
Chăm sóc, điều trị cho người cao tuổi có bệnh nền tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Theo TS-BS Trần Minh Triết, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người bệnh đái tháo đường nếu bị mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với người không bị đái tháo đường. Nguyên nhân là do người đái tháo đường có sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể suy giảm. Tỉ lệ tử vong ở người mắc Covid-19 có đái tháo đường tăng gấp 3 lần so với người không bị đái tháo đường.
"Do giãn cách xã hội nên một số trường hợp người bệnh tự ngưng thuốc quá lâu dẫn đến hôn mê phải nhập viện cấp cứu hoặc một số trường hợp xuất hiện các biến chứng nhưng không dám đến bệnh viện khám mà tự mình chịu đựng. Đến khi vào viện thì tình trạng đã rất nặng, đe dọa tính mạng" - BS Triết cảnh báo.
PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho hay những người có bệnh gan mạn tính mắc Covid-19 ghi nhận có tình trạng tăng men gan (tăng AST và ALT khoảng 14% - 83%). Người mắc Covid-19 có tăng men gan thường bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người bệnh không có tăng men gan. Tuy nhiên, tổn thương gan trong các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ thường không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc chăm sóc hỗ trợ.
Không tự ý ngưng thuốc
Giới chuyên môn khuyến cáo trong thời gian giãn cách xã hội cuộc sống chủ yếu tại nhà, những người mắc các bệnh mạn tính như khớp, gan, ung thư... cần tuân thủ một số nguyên tắc về lối sống, dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe.
BS Trần Minh Triết khuyên những người cao tuổi mắc các bệnh nền cần bảo đảm việc sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc. Người bệnh cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mà mình hiện có. Nếu còn ít thì gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc đến khám tại cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường.
"Trong trường hợp có chỉ định tái khám, phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế. Nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… thì gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất" - BS Sơn Ngọc tư vấn.
Duy trì lối sống lành mạnh
Các chuyên gia lão khoa cho hay đối với người cao tuổi, nguy cơ khi mắc bệnh sẽ tăng dần từ 50 tuổi trở lên, người trên 85 tuổi có nguy cơ cao nhất khi nhiễm bệnh và bệnh diễn tiến nặng.
Ngoài tuân thủ 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần duy trì lối sống lành mạnh (giữ liên lạc với con cháu, người thân qua điện thoại, ứng dụng video call trên Zalo, Viber, Fabook…); sinh hoạt điều độ, vận động vừa sức, tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày.
Bảo đảm hạn chế tiếp xúc theo các quy định phòng chống dịch, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với người khác, đặc biệt trong không gian kín. Thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ cá nhân như tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay. Có chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất (nhiều rau xanh, vitamin và khoáng chất, uống đủ nước tối thiểu 2 lít/ngày).
Nên ngủ đủ giấc, không căng thẳng quá mức và không lạm dụng bia rượu, các chất kích thích. Đi tiêm vắc-xin Covid-19 vì sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nếu có mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng hơn.
Có ngưng hoặc trì hoãn hóa trị trong thời gian giãn cách?
Theo các bác sĩ, về mặt chứng cứ khoa học, hiện có rất ít bằng chứng để đưa ra đề nghị thay đổi kế hoạch hóa trị cho những bệnh nhân ung thư. Do đó, bác sĩ điều trị cần cân nhắc trên từng người bệnh cụ thể về nguy cơ tái phát hoặc tiến triển bệnh từ việc trì hoãn hay ngưng hóa trị so với lợi ích về hạn chế sự lây nhiễm Covid-19. Việc quyết định có nên trì hoãn điều trị hay không phụ thuộc vào mục tiêu điều trị, số chu kỳ hóa trị người bệnh đã hoàn thành, sự đáp ứng điều trị và tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải trong quá trình điều trị...
Bình luận (0)