Chuyện trẻ mắc phải dị vật khi táy máy những vật dụng của người lớn là không hiếm. BS chuyên khoa I Trần Đắc Nguyên Anh, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ông gặp vô số ca trẻ em nuốt, nhét vào tai, mũi... những dị vật vốn là các mảnh từ đồ dùng của người lớn. Danh sách các dị vật này khá dài, bao gồm đầu bút bi; viên pin nút từ đồng hồ hay các đồ điện tử nhỏ; hạt cườm rơi ra từ vòng đeo tay, dây chuyền; những chiếc nút áo; các mẩu chì sáp gãy; những mảnh vỡ hoặc chi tiết nhỏ của đồ dùng bị trẻ đập vỡ hay tháo rời... Đối tượng thường gặp nhất là trẻ từ 2-4 tuổi, độ tuổi bắt đầu thích khám phá nhưng chưa đủ nhận thức để tránh tai nạn từ những trò chơi của chính mình.
Theo các BS nhi khoa, trẻ em rất nhiều khi chán đồ chơi và chuyển sự chú ý sang các vật dụng của người lớn, đơn giản vì chúng thấy cha mẹ sử dụng những món đồ đó và muốn bắt chước. Có trẻ nuốt phải đầu bút bi trong lúc bắt chước cha... cắn bút suy nghĩ lúc làm việc, có trẻ táy máy những chiếc áo vì thấy mẹ đơm cúc, rồi vô tình giật đứt cúc và... nuốt thử, nhiều bé khác thì cố tháo rời các vật dụng ra để khám phá...
“Nguy hiểm nhất là việc trẻ để dị vật đi vào đường thở hoặc nuốt phải những viên pin. Dị vật vào khí quản tuy không đủ lớn để chặn cơ quan này nhưng khiến khí quản co bóp một cách tự nhiên và hậu quả là trẻ bị ngạt. Nhiều trẻ đưa vật nhỏ vào mũi rồi hít vào dẫn đến nghẹt mũi một bên, viêm mũi trị hoài không hết, đến một lúc nào đó BS nghi có dị vật, kiểm tra thì mới thấy. Còn những viên pin khi bị nuốt, nếu để lâu trong dạ dày sẽ bị phân hủy và các hóa chất trong đó sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương” - BS Nguyên Anh cảnh báo. Ông cũng khuyên các phụ huynh khi mua đồ chơi nên chú ý đến quy định về độ tuổi ghi trên bao bì; tuyệt đối đừng cho trẻ cầm nắm những vật có thể tháo rời thành các mảnh nhỏ hoặc dễ vỡ vụn; nhớ hộc chứa pin trên các món đồ nên có vít chắc chắn để tránh trường hợp trẻ lấy pin ra chơi.
Bình luận (0)