Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời: Trẻ bị sốt cao, co giật không tự cắn lưỡi. Chính việc tìm cách bỏ cái gì đó vào miệng mới dẫn đến nguy cơ cắn lưỡi vì trẻ sẽ có phản ứng tự nhiên là cắn mạnh dị vật, đồng thời dùng lưỡi đẩy nó ra. Bỏ miếng chanh hay nặn chanh vào miệng càng nguy hiểm vì nước chanh có thể làm bé sặc, ngạt thở, chưa kể miếng chanh có nguy cơ lọt vào đường thở.
Khi bé sốt cao nên cho uống thuốc hạ sốt kết hợp với lau, đắp khăn thấm nước ấm ở trán, nách, bẹn... và đưa đến bệnh viện kiểm tra (Ảnh minh họa từ Internet)
Co giật ở trẻ nhỏ sốt cao như con bạn thường là lành tính, nhưng có nguy cơ tái phát. Bạn nên để sẵn thuốc hạ sốt trong nhà, thấy bé sốt cao nên cho uống ngay, còn nếu đã co giật rồi thì phải dùng thuốc hạ sốt dạng nhét hậu môn.
Khi bé bị co giật cần đặt bé nằm nghiêng, không bỏ gì vào miệng, nếu có tình trạng ngạt đàm nhớt thì dùng khăn chùi mũi, miệng liên tục để đàm nhớt thoát ra. Thường cơn co giật chỉ kéo dài 30 giây đến 2 phút rồi tự hết. Khi đó nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn kết hợp với lau, đắp khăn thấm nước ấm ở trán, nách, bẹn để hạ sốt rồi nên đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Bình luận (0)