Các bé gái dậy thì sớm có thể cảm thấy bị cô lập và chưa sẵn sàng cho những thay đổi về hóc-môn.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Bristol và Cambridge của Anh đã khảo sát 2.148 bé gái trong một cuộc nghiên cứu dài hạn mang tên Avon Longitudinal Study về cha mẹ và trẻ em.
Họ sử dụng phương pháp chọn mẫu cắt ngang để kiểm tra khả năng liên hệ giữa thời gian bắt đầu dậy thì và những triệu chứng trầm cảm ở các độ tuổi 10 rưỡi, 13 và 14.
Tuổi bắt đầu dậy thì trung bình của các bé gái trong nhóm nghiên cứu là 12,6. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những bé gái bắt đầu dậy thì sớm (trước 11,5 tuổi) có tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm cao nhất. Các dấu hiệu trầm cảm này xuất hiện khi trẻ bước vào độ tuổi 13, 14 . Những bé gái bắt đầu dậy thì muộn hơn (sau 13,5 tuổi) có tỷ lệ mắc triệu chứng trầm cảm thấp hơn.
Tiến sĩ Carol Joinson của Đại học Bristol, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các bé gái dậy thì sớm có thể cảm thấy bị cô lập và chưa sẵn sàng cho những thay đổi về hóc-môn.
Bà Carol Joinson nói: “Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện rằng những bé gái dậy thì sớm là đối tượng dễ bị tổn thương đối với các triệu chứng trầm cảm khi tới giai đoạn giữa tuổi teen. Nghiên cứu cũng cho thấy các bé gái dậy thì muộn hơn có thể chống chọi tốt hơn với những biến đổi tâm lý.”
Tiến sĩ Carol Joinson cho biết: “Bước vào giai đoạn dậy thì, các bé gái phải đối mặt với những thay đổi phức tạp về sinh lý, nhận thức và xã hội. Nhiều bé có xu hướng chống đối cha mẹ, bắt đầu chú ý tới người khác giới, thay đổi cơ thể và hóc-môn. Dậy thì sớm, các bé gái lại càng chịu những tác động tiêu cực hơn. Vì vậy, cần phải giúp các bé bằng các chương trình kết hợp với gia đình và nhà trường để sớm can thiệp và ngăn chặn nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc”.
Bình luận (0)