Bạn đọc Trần Thị Mỹ (mynguyent…@gmail.com) hỏi: 1 tháng nay, tôi mua máy ép trái cây và từ đó trong nhà luôn có nước trái cây tươi, con trai 6 tuổi của tôi rất thích, đặc biệt là nước cam ép, bưởi ép… Tôi cũng khuyến khích, có khi mỗi ngày cho cháu uống vài ly vì nghe nói nhiều vitamin C sẽ giúp cháu có sức đề kháng tốt. Nhưng rồi con tôi bắt đầu hay bị đau bụng, tiêu chảy. Không biết có phải tại món nước trái cây vì ngoài nó ra con tôi vẫn ăn uống như trước?
Bạn đọc Nguyễn Thị X. (nguyenthi..@gmail.com) hỏi: Con tôi 7 tuổi, khoảng hơn 1 tháng nay tôi thường xuyên mua nước cam cho cháu uống, có lúc tự làm ở nhà uống vì sợ mùa này trẻ con dễ bị nhiều bệnh, cần tăng cường sức đề kháng. Nhưng tầm 3 tuần nay cháu rất hay bị táo bón cho dù vẫn ăn rau bình thường. Không biết nước trái cây có liên quan đến việc táo bón?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Thông thường, nếu dùng quá nhiều vitamin C thì trẻ sẽ có nguy cơ bị tiêu chảy, như cháu bé trong trường hợp đầu tiên gặp phải.
Tuy nhiên, nếu các cháu uống quá nhiều nước trái cây, đến mức thay cả nước thường và không uống thêm nước thường thì có thể bị mất nước do một số loại nước trái cây có tính lợi tiểu, khiến lượng nước bài tiết ra quá nhanh và nhiều. Nếu những ly nước trái cây đó được pha thêm nhiều đường thì còn có thể khiến gan làm việc quá tải, gọi theo kiểu dân gian là "nóng gan", kết hợp với tình trạng mất nước gây khô môi, dễ nổi nhọt, táo bón...
Để giải quyết tình trạng này, các bạn nên cho các cháu uống nước trái cây vừa phải, không uống thay nước lọc. Nếu bé thích uống thường xuyên thì cố gắng mua trái cây về tự ép, vắt, vì nước trái cây chế biến sẵn hay chứa nhiều đường. Khi tự pha chế nước trái cây cho bé, cần hạn chế lượng đường thêm vào.
Nhưng cách tốt nhất để bổ sung vitamin và các chất có lợi khác từ trái cây vẫn là ăn trực tiếp trái cây đó, sẽ giúp các bé nhận được các thành phần dinh dưỡng trọn vẹn hơn, đặc biệt là chất xơ. Ăn trực tiếp trái cây cũng giúp các bạn không phải thêm đường vào như khi ép, vắt chúng thành nước.
Trong trường hợp đã điều chỉnh mà tình trạng rối loạn tiêu hóa vẫn còn, có xu hướng nặng thêm hoặc kéo dài, các bạn nên đưa con đến bác sĩ kiểm tra do có thể bé bị rối loạn tiêu hóa vì một nguyên nhân khác.
Bình luận (0)