Sáng nay 10-8, tức 2 ngày sau ca phẫu thuật lấy lưỡi dao cắm sâu đến 11 cm vào hốc mắt và xuyên thấu sọ bé sơ sinh 12 ngày tuổi, cháu bé vẫn đang thở máy, tiếp tục điều trị tích cực, dùng kháng sinh và nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch.
Bé còn mê nhưng môi hồng, chi ấm, mạch rõ, tim đều rõ có lúc có cơn co giật nhẹ, ống dẫn lưu nơi vết mổ còn rỉ ít dịch máu. Tuy đã đi qua ca phẫu thuật – giai đoạn rủi ro nhất – nhưng các BS vẫn chưa dám nói trước điều gì bởi vết thương quá lớn với nhiều mối lo, cháu bé lại sẵn bệnh viêm phổi.
BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, đang khám cho cháu bé. Ảnh: ANH THƯ
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, bé trai vừa sinh ngày 28-7, là con của chị Võ Thị Hồng Duyên (ngụ xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long). Sau sinh vài ngày, bé nhập viện tại BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long để điều trị viêm phổi thì bị bà Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, ngụ xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), dùng dao lớn đâm vào vị trí giữa 2 hốc mắt, vết thương sâu đến cán dao. BV địa phương đã băng bó và chuyển đến BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) cấp cứu.
Theo BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 và cũng là thành viên ê-kíp phẫu thuật, các BS thuộc nhiều chuyên khoa của BV Nhi Đồng 1 với sự phối hợp của khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân 115 đã mất gần 3 giờ để phẫu thuật cứu cháu bé.
“Tiên lượng phẫu thuật cực kỳ khó khăn vì không thể lường trước mọi tình huống có thể xảy đến khi lấy lưỡi dao ra khỏi cơ thể quá nhỏ bé của cháu” – BS Hiếu cho biết.
30 phút sau khi cháu bé nhập viện, nhờ những phương tiện chẩn đoán hình ảnh đặc biệt, các BS đã có những hình ảnh đầu tiên về ca mổ và tiến hành hội chẩn ngay tại phòng mổ. Điều đầu tiên họ lo ngại là nhãn cầu của em bé có thể bị tổn thương nhưng rất may dao chỉ đi vào thành trong của hốc mắt trái, chưa gây tổn hại nhãn cầu.
Để lấy lưỡi dao ra, các BS cũng phải tạm lấy một mảnh xương trán diện tích 4x6 cm, tức rất lớn so với tỉ lệ cơ thể của một bé sơ sinh để “dọn đường” cho việc phẫu thuật lấy dị vật. Việc lấy dao phải tiến hành hết sức chậm rãi, mất đến 5 phút để lưỡi dao ra khỏi phần não của cháu bé.
Phẫu thuật lấy lưỡi dao ra khỏi phần sọ, mặt cho cháu bé - ẢNH DO BV NHI ĐỒNG 1 CUNG CẤP
BS Hiếu cũng là người trực tiếp cầm con dao lấy ra khỏi cơ thể cháu bé. “Lúc ấy cả ê-kíp phẫu thuật chúng tôi đều nhẹ nhõm, vì dù có chảy máu nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Lúc lấy dao rất căng thẳng vì chỉ cần một sơ suất nhỏ thì dễ gây ra tổn thương còn lớn hơn việc vật sắc nhọn ấy đi vào cơ thể” – ông cho biết. Sau ca mổ, điều mà các BS lo ngại nhất vẫn là tình trạng chảy máu thứ phát ở não vì với bộ não nhỏ bé của cháu sơ sinh, chỉ cần chảy khoảng 10-20 cc máu là có thể dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.
Theo BS Phạm Thị Thanh Tâm, trưởng khoa hồi sức sơ sinh, một mối lo khác nữa là khả năng nhiễm trùng, bởi lưỡi dao gây thương tích cho bé rất bẩn. Cháu bé hiện vẫn còn khối máu tụ nhỏ ở vùng thương tổn nhưng hiện thời qua kiểm tra khối máu này không đe dọa gì đến sức khỏe của cháu.
Việc đánh giá các chức năng khác như thần kinh, vận động… sẽ được thực hiện sau khi tình hình bé ổn hơn, vì cháu bé hiện giờ vẫn đang phải sử dụng thuốc an thần nên việc đánh giá sẽ không chính xác.
Bình luận (0)