Tháng 5 là thời điểm các bác sĩ (BS) nhi khoa bận bịu với các bé mắc những dịch bệnh tay chân miệng, thủy đậu (trái rạ), sốt xuất huyết (SXH), quai bị, hô hấp... Các dịch bệnh này được xem là "bệnh của trẻ con" nhưng không ít người lớn cũng bị nhiễm bệnh và mức độ nặng hơn.
Cả nhà nhiễm thủy đậu
Theo các BS, đa số trẻ mắc các loại dịch bệnh này ở độ tuổi dưới 10. Nếu như bệnh tay chân miệng chỉ mới ghi nhận được khá ít trường hợp người lớn bị phát bệnh sau khi lây mầm bệnh từ trẻ nhỏ thì căn bệnh thủy đậu đã thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình khi cả nhà cùng mắc phải. Với tầm lây lan khá dài (khoảng 2 ngày trước khi nổi bóng nước và kéo dài đến 3 tuần sau khi bóng nước lặn), cuộc sống sinh hoạt của nhiều người gần như đảo lộn do thủy đậu tấn công.
Như trường hợp gia đình chị T.T.T.M (37 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) gần đây. Trong suốt 2 tháng qua, cả nhà chị có đến 4 người, từ trẻ con đến người lớn, lần lượt bị mắc thủy đậu khiến công việc, học hành bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nên kiểm tra sức khỏe và đừng chủ quan với các loại “bệnh của trẻ con” Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Đầu tiên là con trai 4 tuổi của tôi phát bệnh. Cháu bị nhẹ, hầu như không sốt, tôi chỉ phải chăm ít ngày. Tuy nhiên, sau khi bóng nước của con lặn hẳn chừng nửa tháng thì tôi phát hiện mình bắt đầu có biểu hiện nhiễm bệnh vì trên da nổi đốm. Hết sức bất ngờ bởi trước giờ tôi nghĩ chỉ có trẻ con mới bị trái rạ. Bị nặng hơn con mình nhiều, tôi sốt đến mê man, phải nhập viện. Vừa khỏe lại thì đến lượt con gái 15 tuổi sau thời gian chăm sóc mẹ cũng bị "vạ lây". Chưa dừng lại, bà nội cũng chịu khốn khổ với đám nốt bóng nước nổi đầy người. Chỉ chồng tôi là chưa bị, có lẽ từ nhỏ anh từng mắc bệnh này rồi" - chị M. kể.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), ngày trước đúng là thủy đậu chỉ mắc ở độ tuổi dưới 10. Nhưng nay, do có người tiêm chủng, người không tiêm nên mô hình bệnh tật đã thay đổi. Bớt cơ hội tiếp xúc với mầm bệnh hơn, nhiều người không tiêm chủng đủ các mũi vẫn có thể thoát bệnh khi còn nhỏ nhưng lớn lên lại mắc phải. Tại BV Nhi Đồng 1, rất nhiều bệnh nhi lớn hơn 10 tuổi. Hiện tại, độ tuổi mắc thủy đậu nhiều nhất lại là 20-25.
BS Khanh cũng cho biết dù được nhiều người quan niệm rằng đây là "bệnh của trẻ con" nhưng oái oăm thay, người lớn khi mắc thủy đậu lại nặng hơn trẻ nhỏ. "Chuyện con mắc bệnh chỉ hơi sốt mấy ngày nhưng người lớn chăm sóc xong thì bị lây, sốt vật vã nhiều ngày, bóng nước nổi dữ dội hơn... là điều không có gì khó hiểu" - BS Khanh nhấn mạnh.
Chủ quan, mang bệnh
Theo các chuyên gia, người lớn mắc các bệnh nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ chính là sự chủ quan. Vấn đề này dù được cảnh báo trong cộng đồng nhưng không phải ai cũng nhận thức tốt để phòng bệnh. Như trường hợp anh Q.T (30 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM). Dù tuổi còn trẻ nhưng chỉ phút sơ ý khiến anh suýt mất khả năng "làm đàn ông" khi bị lây bệnh quai bị. Con anh T. bị quai bị nhưng ở tình trạng nhẹ. Sau thời gian chăm sóc, anh bị lây bệnh từ con dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn. "Nghĩ rằng con mình mới 5 tuổi mà bệnh còn không sao, tôi thể trạng khỏe thế này thì virus làm gì nổi nhưng các BS bảo tôi mới là người có nguy cơ bị vô sinh" - anh T. nói.
BS Huỳnh Ngọc Hớn, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Trưng Vương, cho rằng có 2 lý do khiến người lớn khi mắc bệnh như nói trên thường đến gặp BS trễ, bệnh ở tình trạng nặng. Thứ nhất, họ lầm tưởng đó là các bệnh lý thông thường khác nên ngộ nhận mình đâu phải con nít mà mắc phải. Thứ hai, họ nghĩ mình là người lớn nên khi mắc bệnh sẽ không nặng.
Giới chuyên môn lưu ý hơn ai hết, mọi người cần biết cách phòng lây bệnh cho mình. Nhiễm bệnh nhưng chậm trễ đến gặp BS cũng dẫn đến một số hậu quả nguy hiểm. Trong một số trường hợp sốt siêu vi, bệnh diễn tiến khá nặng và có thể nguy hiểm nếu cơn sốt quá cao, không hạ được. Còn nếu bị SXH thì mức độ nguy kịch ở người lớn sẽ cao hơn trẻ nhỏ...
Nguy cơ bệnh chồng bệnh
Theo BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Thống Nhất, vẫn có các trường hợp người cao tuổi đến BV vì SXH, sốt siêu vi. Đa số họ đã có sẵn các bệnh lý nội khoa về tim mạch, chuyển hóa, hô hấp, xương khớp… Nếu bị nhiễm thêm 1 loại bệnh mới sẽ đối diện nguy cơ bệnh "chồng" bệnh và khi đó bệnh trạng càng xấu thêm, nguy cơ cao do cơ thể cùng lúc phải chống chọi với nhiều thứ bệnh.
Bình luận (0)