Sáng 7-8, tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Mắt Trung ương, chị Nguyễn Thị Hương (ngụ huyện Chương Mỹ - Hà Nội) tự trách mình vì đã quá chủ quan khiến con từ chỗ chỉ bị đau mắt đỏ nay biến chứng sang viêm giác mạc.
Theo chị Hương, chỉ ít ngày sau khi con gái lớn 6 tuổi khỏi bệnh đau mắt đỏ thì con gái nhỏ 21 tháng tuổi của chị cũng bị bệnh theo. Thấy bệnh của 2 chị em giống nhau nên thuốc được bác sĩ (BS) kê dùng cho đứa con lớn, chị cũng lấy dùng luôn cho đứa nhỏ. Gần 2 tuần sau, thấy bệnh của con vẫn không đỡ, vợ chồng chị đưa tới bệnh viện mới biết bé bị viêm giác mạc phải điều trị dài ngày .
Bệnh nhi 21 tháng tuổi bị biến chứng loét giác mạc do đau mắt đỏ
Các bác sĩ điều trị cho biết tác nhân gây bệnh chủ yếu vẫn do virus Adeno. Bệnh có thể trở thành dịch, thường xuất hiện vào thời gian mùa hè, sau lũ lụt, nhiều nơi bụi bẩn, nguồn nước ô nhiễm. Triệu chứng ban đầu của bệnh là kết mạc cương tụ, mắt đỏ, nóng rát, đau, chói trong mắt, có thể sợ ánh sáng và kèm theo chảy nước mắt. Với trẻ em, nếu bị đau mắt đỏ, mỗi sáng khi ngủ dậy, ghèn đọng lại thành cục và kết dính khiến rất đau đớn, khó khăn khi mở mắt.
BS Lan cho biết đau mắt đỏ là bệnh thông thường, không nguy hiểm tính mạng nên có lẽ vì thế mà nhiều người chủ quan. Khi mắc bệnh, nhiều người đã tự điều trị bằng các phương pháp dân gian như xông nước nóng, lá trầu không, rau răm, tinh dầu bạc hà. Ngoài ra, do nghĩ đơn giản là bệnh đau mắt do nhiễm khuẩn thông thường nên bệnh nhân thường tự ý mua các loại thuốc có corticoid như Clodexa, Nemydexa, Polydexa... để chữa trị.
“Đây đều là những loại thuốc rất nguy hiểm cho mắt vì có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Việc dùng thuốc kéo dài, không đúng chỉ định sẽ biến chứng tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, việc xông các loại tinh dầu còn khiến giác mạc bị phỏng, càng khó chữa. Thực tế đã có những bệnh nhân bị biến chứng phải chữa bệnh tới 6-7 tháng với chi phí rất tốn kém chỉ vì chủ quan”- BS Lan cảnh báo.
TS-BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng Khoa Kết - Giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra hiện không có thuốc đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng để tránh các nhiễm trùng phối hợp giúp bệnh nhân bớt khó chịu và rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Cũng theo BS Đông, nhiều người đau mắt đỏ cho rằng họ bị bệnh là do lỡ nhìn vào người bệnh nhưng thực tế không có chuyện bị lây do nhìn. Virus gây đau mắt đỏ là loại lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, đường nước nên việc lây lan sang người khác rất dễ dàng và càng dễ bùng phát thành dịch.
Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại cầm điện thoại, điều khiển máy điều hòa, nắm cửa, bấm vào thang máy…, sau đó người lành chạm vào những vật dụng đó rồi lấy tay dụi mắt là đã có thể dính virus gây bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến từ một người trong gia đình, công sở, trường học, công xưởng…, đau mắt đỏ có thể truyền bệnh cho nhiều người.
“Bệnh nhân cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế giao tiếp, không dùng chung khăn mặt, chậu với người khác. Nếu mắc bệnh, nên nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho những người xung quanh. Đặc biệt, khi bị đau mắt đỏ thì không đi tắm ở bể bơi” - BS Đông nhắc nhở.
Tùy bệnh mà chọn thuốc Các BS khuyến cáo không thể dùng một loại thuốc nhỏ mắt cho tất cả mọi trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ. Bệnh này cũng có rất nhiều dạng và chỉ khi khám, BS mới biết người bệnh bị đau mắt loại nào và căn cứ vào từng lứa tuổi, tình trạng mà có chỉ định dùng loại thuốc nào cho phù hợp.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, nên rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc người bệnh và sau khi nhỏ thuốc hoặc đụng vào mắt mình. Mọi người có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để nhỏ mắt hằng ngày. |
Bình luận (0)