Tháng 3 và 4 hằng năm, khi thời tiết miền Nam nóng ẩm dần cũng là thời điểm vào mùa của một số bệnh nhiễm siêu vi. Khoảng 1 tháng qua, các bệnh viện (BV) đã phải tiếp nhận khá nhiều bé bị thủy đậu, kể cả người lớn. Dự kiến trong tháng tới, nhiều bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng bắt đầu xuất hiện. Các bệnh này không chỉ gây sốt, mệt mỏi mà còn tạo ra những sang thương da. Ở một số trẻ khác cũng thấy “nở hoa” trên da bởi các chứng viêm da do dị ứng, do không giữ vệ sinh kỹ trong thời tiết nóng ẩm...
Che mờ triệu chứng
Sợ những dấu tích trên làm hỏng làn da đẹp của bé, không ít phụ huynh vội dùng các “bài thuốc truyền miệng” để xử lý sang thương mà không biết lắm lúc lại khiến tình hình xấu thêm.
Thấy con gái 3 tuổi sốt nhẹ và bắt đầu xuất hiện vài chấm giống như bóng nước của thủy đậu trên da, chị T.T.T.D (33 tuổi) vội bồng ngay con vào BV. Ngồi ở hàng ghế đợi, một vài người mẹ khác nhìn tay chân cháu bé, hỏi sao không bôi thuốc, chị lắc đầu: “Năm ngoái, con bé bị tay chân miệng, tôi lấy đại Xanh Methylen (từng được bác sĩ dùng cho con trai lớn của chị khi cháu bị thủy đậu) để bôi lên những dấu hồng ban của cháu. Khi tôi đưa bé vào BV do sốt hơn 39 độ C, bác sĩ (BS) bực bội bảo rằng bôi thuốc cho con tím ngắt khắp mình thế kia thì làm sao thấy rõ triệu chứng trên da để chẩn đoán...”.
Chị D. không phải là phụ huynh duy nhất bồng con vào BV với làn da tím ngắt hay đỏ thẫm vì Xanh Methylen, thuốc đỏ hay các loại thuốc bôi có màu khác. “Có những sang thương da trong bệnh nhiễm không cần bôi gì cả, ví dụ tay chân miệng. Các sang thương này sẽ biến mất khi hết bệnh mà không để lại sẹo trên da. Việc bôi thuốc chỉ làm mờ đi các triệu chứng mà BS rất cần quan sát khi chẩn đoán và điều trị” - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, lưu ý.
Ngứa: cần phân biệt để xử lý
Một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh lo lắng đi tìm thuốc bôi là khi các dấu vết trên da khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu; tuy nhiên, ngứa cũng có thể do nhiều nguyên nhân.
Trước hết, phải phân biệt những sang thương da do bệnh nhiễm với ngứa ngáy do các bệnh về da, bởi với thời tiết nóng như hiện nay, nhiều trẻ dễ bị viêm da, ngứa ngáy do chạy nhảy, chơi đùa đổ mồ hôi mà không tắm rửa. Nhiều phụ huynh sợ bôi thuốc tây lên da trẻ dễ bị phản ứng phụ nên chuyển sang dùng các loại thuốc đông y, thuốc có nguồn gốc thực vật mà không biết chúng vẫn gây phản ứng phụ nếu dùng sai cách.
“Có thể nấu nước tía tô, ngải cứu, lá trầu, cây kinh giới để rửa, lau nhẹ nhằm chống ngứa nếu như trẻ bị ngứa do viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc; còn nếu ngứa do các bệnh nhiễm siêu vi thì không nên dùng cách này. Nhiều người bị thủy đậu hay dùng nghệ vì sợ các bóng nước để lại sẹo nhưng chỉ nên dùng trong giai đoạn các bóng nước đã vỡ và lành lại vì nghệ chỉ có tác dụng chống sẹo. Giai đoạn trước đó chỉ nên sử dụng Xanh Methylen” - lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, khuyến cáo.
Lương y Bảy cũng cảnh báo trường hợp người bị ngứa do sốt xuất huyết tự ý dùng dầu gió, dầu nóng bôi lên da với hy vọng bớt ngứa, làm vậy tình trạng xuất huyết càng nặng thêm, có thể dẫn đến biến chứng không mong muốn. Ông nói có thể điều trị sốt xuất huyết bằng đông y nhưng người bệnh cần được đưa đến các cơ sở chuyên về đông y để chữa trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Về bệnh thủy đậu, BS Trương Hữu Khanh khuyên các bậc phụ huynh không nên kiêng tắm cho con vì khi mắc bệnh này trẻ rất cần giữ cơ thể sạch sẽ. Nên cắt ngắn móng tay để ngừa trẻ gãi gây trầy xước hay vỡ bóng nước; nếu ngứa quá có thể hỏi ý kiến BS để được cho thuốc uống. Thuốc Xanh Methylen mà các BS hay cho trẻ dùng khi mắc bệnh này rất thông dụng, dễ mua, chủ yếu có tác dụng ở giai đoạn bóng nước đã tự vỡ ra, giúp chống nhiễm trùng; còn giai đoạn trước đó chỉ cần tắm rửa, giữ vệ sinh cho trẻ là được.
Phân biệt các biểu hiện
Theo các BS, nếu là sang thương da do các bệnh nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... thì tốt nhất nên đưa trẻ vào BV, đừng tự chữa vì những bệnh này có nhiều nguy cơ lớn hơn như sốt, nhiễm trùng, sốc... Sang thương ở tay chân miệng thường là hiện tượng da nổi bông, hồng ban đỏ rộp lên ở vùng bàn chân, bàn tay, miệng... Sốt xuất huyết ở giai đoạn cuối cũng xuất hiện các chấm đỏ vốn là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết dưới da nhưng thông thường khi xuất hiện chấm đỏ là lúc bệnh đang khỏi dần nên không đáng lo. Các bệnh này thường kèm nhiều triệu chứng khác, nhất là sốt cao khó hạ, vì vậy, nếu trẻ sốt cao đến ngày thứ hai thì nên đưa đi khám. Bệnh thủy đậu có biểu hiện là những mụn nước có thể nổi lên và lan ra toàn thân chỉ trong vòng chưa đến 1 ngày. Bệnh này cần được xử lý bởi BS chuyên khoa.
Bình luận (0)