Trường hợp một nam bệnh nhân mắc HIV/AIDS mà chuyên viên tâm lý Trương Thị Hòa, Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP HCM, gặp phải khi người nhà đến cầu cứu chị cách đây mấy năm có lẽ là một trong những ca bệnh phức tạp nhất khi người bệnh cứ lăm le… đi kiện tất cả những ai bảo ông có bệnh.
Cơ quan thụ lý cũng đau đầu
Từ ca xét nghiệm đầu tiên cho kết quả nhiễm HIV, người đàn ông đã cất công đi xét nghiệm ở tất cả bệnh viện, trung tâm y tế có làm loại xét nghiệm phát hiện bệnh này. Đương nhiên nơi nào cũng trả về kết quả dương tính và những lần như vậy, cơ sở này đã bị ông đâm đơn kiện lên tòa án với lý do họ “tham tiền nên chẩn đoán bậy bạ”. Ca bệnh nặng đến độ hoang tưởng nên chị Hòa phải giới thiệu ông đến gặp bác sĩ tâm thần.
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP HCM, cho biết ông đã từng gặp khá nhiều trường hợp người mê kiện cáo vì... hoang tưởng. Ví dụ như ông T.V.D, người có thâm niên nhiều năm đi bệnh viện và nhiều lần “nắn gân” các bác sĩ. Ông D. vốn rất khỏe mạnh nhưng luôn giấu trong người toa thuốc của một phòng khám tư, nói rằng ông có vài bệnh lặt vặt. Ông đi khám bệnh khắp nơi và bất cứ cơ sở nào sau khi kiểm tra, xét nghiệm kết luận rằng ông khỏe mạnh, ông lại chìa toa thuốc cũ ra, đâm đơn kiện nơi đó vì... dám bảo ông khỏe và xem đó như một chiến tích! “Quả là ông có bệnh nhưng là bệnh tâm thần chứ không phải bất kỳ bệnh thực thể nào. Đây là một dạng hoang tưởng thường gọi là “hoang tưởng kiện cáo” - BS Quang nói.
BS Quang cũng cho biết đơn vị của ông thỉnh thoảng cũng được các cơ quan chức năng trưng cầu giám định đối với một số người cứ miệt mài gửi đến họ hết lá đơn này đến lá đơn khác, hết chuyện này đến chuyện khác hoặc chỉ một chuyện nhưng giải quyết kiểu gì họ cũng không hài lòng. Thậm chí, có nhiều chuyện không hề có cơ sở giải quyết, không có thật hoặc họ nói do đọc trên báo thấy chuyện không hợp lý nên kiện giùm người ta. Những người “thích kiện cáo” dạng này khi đến được phòng giám định hầu hết đã đi kiện khắp nơi; kiện nơi này không được thì kiện cấp cao hơn khiến chồng hồ sơ ngày một dày thêm và nỗi khổ của gia đình, người thân cũng ngày càng chồng chất.
Thường có trục trặc gia đình
Theo BS Quang, hoang tưởng kiện cáo là một dạng của rối loạn nhân cách dạng hoang tưởng, biểu hiện qua các đặc điểm như sự nhạy cảm quá mức, đa nghi, tự diễn dịch sai các việc làm thân thiện của người khác thành sự thù địch hay khinh miệt; hay nghi ngờ vô cớ về sự trung thành của vợ/chồng/bạn tình; bướng bỉnh, nhạy cảm quá mức về tầm quan trọng của bản thân (ví dụ thấy người lạ nói chuyện với nhau, bệnh nhân có thể cho rằng người ta đang nói xấu mình hoặc bàn chuyện hại mình). Có nhiều dạng hoang tưởng như hoang tưởng bị hại, bị đầu độc, bị theo dõi; hoang tưởng ghen tuông, tự cao... và kể cả hoang tưởng kiện cáo.
Một đặc điểm khá thường gặp ở người bị hoang tưởng kiện cáo là họ hay xuất thân trong các gia đình có sự rạn nứt, đặc biệt là có mâu thuẫn vợ chồng hoặc ly hôn. Họ theo đuổi không mệt mỏi các vụ kiện vì luôn cho rằng mình đúng và không bao giờ hài lòng về kết quả. Việc này cũng làm các mối quan hệ gia đình thêm phức tạp, người vợ/chồng nếu vẫn còn sống bên cạnh thường cũng không chịu nổi khiến quan hệ gia đình thêm nặng nề. Đây là một dạng bệnh tâm thần nặng, phải được bác sĩ chuyên khoa điều trị bằng cách kết hợp giữa thuốc và liệu pháp tâm lý.
Căn bệnh này cũng khiến người bệnh gặp khó khăn trong công việc do hay gây hấn với đồng nghiệp, không tập trung vào công việc và các hoạt động lành mạnh khác. Họ cũng có nguy cơ dính dáng đến pháp luật bởi không ít trường hợp người bệnh đã bị “phản pháo” vì tội vu khống. “Cho dù bệnh của họ thể hiện qua hình thức kiện cáo, không có vẻ nguy hiểm như những người bệnh tâm thần thuộc dạng hay tấn công người khác nhưng họ vẫn cần điều trị sớm bởi hoang tưởng là bệnh nặng. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ có xu hướng trầm trọng thêm và có thể dẫn đến nhiều rối loạn tâm thần phức tạp khác” - BS Quang khuyến cáo.
Người thân cần biết cách ứng xử
Theo chuyên viên tâm lý Trương Thị Hòa, người thân của người mắc hoang tưởng kiện cáo cần có cách ứng xử tế nhị và khôn khéo với họ, nương theo người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Không nên cố đôi co với họ về việc họ đi kiện là đúng hay sai bởi người hoang tưởng không thể nhận thức được điều đó. Ngược lại, việc tranh cãi với họ còn có thể khiến cơn bệnh bộc phát hoặc khiến người bệnh cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi..., từ đó gây nguy hiểm cho chính họ và những người xung quanh.
Bình luận (0)