Cách đây không lâu, anh Hà Đình Lạc - ngụ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk - đã gây ra vụ hỏa hoạn khiến bản thân tử vong, căn nhà cháy tan hoang. Nỗ lực chữa lửa của hàng trăm người dân xung quanh cũng vô vọng khi người đàn ông tự nhốt mình trong nhà và quyết chết do nỗi sợ quá lớn: Anh luôn nghĩ rằng có người cầm dao truy sát mình. Mẹ của Lạc ngậm ngùi cho biết thực ra không ai muốn ám hại cả mà đó chỉ là nỗi hoang tưởng đeo bám con bà nhiều năm nay. Lạc đã 2 lần chết hụt do uống thuốc trừ sâu vào năm 2012 và 2014. Nhà nghèo, ai cũng biết anh bị bệnh thần kinh nhưng không có tiền chữa trị, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Nhiều dạng hoang tưởng
Cho đến giờ, kẻ thủ ác L.T.D trong vụ tạt axít cả gia đình hàng xóm 4 người tại quận Gò Vấp, TP HCM làm rúng động dư luận hồi năm 2012 vẫn bị giữ ở Bệnh viện(BV) Tâm thần trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai) để điều trị bắt buộc. Vụ ra tay tàn nhẫn với những bước sắp đặt, chuẩn bị “như phim” được chính hung thủ kể lại cũng xuất phát từ chứng hoang tưởng bị hại nguy hiểm của D.
Cả 2 cấp giám định là Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP HCM và Viện Pháp y tâm thần trung ương - Phân viện phía Nam đều xác định D. bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng giai đoạn tiến triển. Nhìn bề ngoài, D. vẫn có vẻ khá tỉnh táo nhưng lúc nào trong tâm trí cũng tồn tại ý nghĩ bị người ta ám hại. “D. có cả ảo thanh song song với hoang tưởng bị hại, lúc nào cũng tưởng tượng mình nghe thấy hàng xóm chửi rủa, làm hại cả nhà nên quyết định ra tay trước” - một bác sĩ của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP HCM giải thích.
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP HCM, nơi này thường xuyên giám định hung thủ của các vụ án hình sự mà lý do gây án là vì hoang tưởng: ra tay đánh, giết người do nghĩ rằng người ta hại mình; gây án để được... vào tù vì sợ ở bên ngoài có người theo dõi, đòi giết mình; hại chính bạn đời của mình vì hoang tưởng ghen tuông; kiện tụng lung tung, “nổ” rằng mình là ông lớn, quen người này người nọ rồi bị kiện tội lừa đảo vì hoang tưởng tự cao; tự dưng tấn công người lạ vì hoang tưởng liên hệ bản thân - thấy người ta nói chuyện với nhau ở đằng xa cứ tưởng... nói xấu mình!
“Có những dạng hoang tưởng ít khiến bệnh nhân gây án nhưng lại làm cho họ tự gây thương tổn. Cách đây nhiều năm, tôi từng điều trị cho một nữ bệnh nhân đã tự tử đến 5-6 lần vì hoang tưởng tự buộc tội, cho rằng mình xấu xa, đáng chết. Khi cô ta vào BV, chúng tôi phải liên tục ngăn cản, không cho đập đầu vào tường hay tìm vật nhọn tự đả thương. Một bệnh nhân khác thì mắc hoang tưởng biến hình bản thân, nhiều lần tưởng mình là chim. Một lần, khi không có người nhà ở cạnh, anh ta đã leo lên sân thượng nhảy xuống vì cho rằng mình... bay được” - BS Quang nhớ lại.
Tốt nhất là đưa đến bệnh viện
“Một khi đã có biểu hiện hoang tưởng chứng tỏ rối loạn tâm thần ở người bệnh đã rất nặng. Khi đó, mọi lời khuyên giải hay cố gắng điều trị bằng tâm lý thường không có hiệu quả. Tốt nhất là nhanh chóng đưa họ đến BV tâm thần” - ThS Trần Thị Yến Nhi, chuyên viên tâm lý Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP HCM, khuyến cáo.
Chứng hoang tưởng hay gặp nhất ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, sa sút tinh thần, sau tai biến, đặc biệt là nhóm người nghiện rượu và các loại chất kích thích - ma túy tổng hợp. Theo BS Nguyễn Ngọc Quang, có thể hiểu hoang tưởng là một sự vật, hiện tượng không có trong thực tế khách quan nhưng người bệnh cho rằng nó tồn tại. Hoang tưởng chỉ giảm hoặc mất đi khi người bệnh được điều trị có hiệu quả.
“Dù chưa đến mức gây án hay tự tử, hoang tưởng vẫn cho thấy người bệnh đang trong tình trạng rất nặng. Ở mức độ nào đó, hoang tưởng ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, mối quan hệ gia đình - xã hội của người bệnh và tình trạng sẽ nặng thêm theo thời gian, dẫn đến nhiều rối loạn tâm thần khác nếu không được điều trị kịp thời” - BS Quang cảnh báo.
Đừng vội hoảng hốt hay chống lại
Theo ThS Trần Thị Yến Nhi, khi người nhà có biểu hiện hoang tưởng, điều đầu tiên mà thân nhân cần làm là đừng vội hoảng hốt hay chống lại người bệnh. Hãy tạm chiều theo họ, vỗ về và đưa đi chữa bệnh. Bởi lẽ, khi đã đến mức hoang tưởng thì người bệnh đã không còn có thể tiếp nhận được những lời khuyên răn, việc cố chống lại họ rất dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực hơn.
Bình luận (0)