Số liệu từ một khảo sát gần đây cho thấy gánh nặng của bệnh không lây nhiễm đang chiếm 71% tổng gánh nặng bệnh tật ở nước ta, cao gấp 6 lần so với tổng gánh nặng bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng và các tình trạng bệnh lý bà mẹ và trẻ em.
Những thông tin trên vừa được công bố tại hội thảo “Tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm trong lĩnh vực y tế dự phòng” do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 19-6. Nguyên nhân của thực trạng nói trên cũng được lý giải là do nguy cơ hành vi (hút thuốc, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng bất hợp lý, ít vận động) và hậu quả của toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa.
Các bệnh không lây nhiễm (chủ yếu là ung thư và bệnh phổi mãn tính, bệnh tim mạch, đái tháo đường) gây ra những hậu quả trầm trọng về kinh tế, xã hội do làm tăng chi phí y tế và giảm năng suất lao động, giảm sản phẩm xã hội.
Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), bệnh không lây nhiễm gây tổn thất 2%-5% GDP của mỗi nước và trong tổng số người tử vong do bệnh không lây nhiễm thì tử vong trước 70 tuổi chiếm 44% và trước 25 tuổi chiếm tới 25%. Cũng theo ước tính của WHO, ở các nước đang phát triển, tổng chi phí tổn thất do bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2011-2025 sẽ lên tới 7.000 tỉ USD, còn đối với các nước thu nhập trung bình và thấp thì bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 60% gánh nặng bệnh tật.
Ở nước ta, một kế hoạch hành động dự phòng bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2012-2020 đã được đưa ra với việc kiện toàn mạng lưới y tế dự phòng làm nền tảng triển khai các kế hoạch hành động, nhất là hoạt động quản lý và dự phòng bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; thiết lập hệ thống giám sát quốc gia tại cộng đồng... Dù vậy, các chuyên gia y tế dự phòng cũng khuyến cáo rằng cá nhân hãy chung tay hành động. Cụ thể là kiểm soát các yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh không lây nhiễm như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn bất hợp lý và thiếu hoạt động thể lực... Vấn đề tuy đơn giản nhưng thực sự đang trông chờ vào nỗ lực từ mỗi cá nhân.
Bình luận (0)