Theo CDC, ngộ độc thịt (botulism) do Clostridium botulinum gây ra là một căn bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng gây chết người. Vi khuẩn này được tìm thấy trong đất và có thể tồn tại, phát triển và tạo ra độc tố trong một số điều kiện nhất định, phổ biến nhất là khi thực phẩm được đóng hộp không đúng cách.
"Bạn không thể nhìn, ngửi hoặc nếm được độc tố botulinum, nhưng chỉ cần nếm thử một chút thực phẩm có chứa độc tố này cũng có thể gây chết người" – CDC khẳng định trong bài cảnh báo được đăng tải công khai trên kho dữ liệu trực tuyến.
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm Pate Minh Chay trên Internet
Các triệu chứng của ngộ độc thịt bao gồm: nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mí mắt, nói lắp, khó nuốt, cảm giác lưỡi dày, khô miệng, yếu cơ… Nguyên do là độc tố này tấn công trực tiếp hệ thần kinh. CDC nhấn mạnh đây là tình huống cấp cứu.
Theo CDC, nhiều trường hợp ngộ độc thịt tại Mỹ đã xảy ra sau khi mọi người ăn thực phẩm đóng hộp, bảo quản hoặc lên men tại nhà bị nhiễm độc tố. Nguyên nhân chính vẫn là do sản phẩm không được đóng hộp đúng cách. Các thực phẩm có tính axit yếu (pH lớn hơn 4,6) sẽ không đủ khả năng chống lại vi khuẩn này, vì vậy cần được đóng hộp bằng áp suất.
Gọi là "ngộ độc thịt" nhưng ngoài các sản phẩm từ thịt, cá và hải sản, một số rau củ quả đóng hộp cũng có nguy cơ gây ngộ độc thịt nếu không được đóng hộp đúng quy chuẩn: măng tây, đậu xanh, củ cải, bắp, khoai tây, cà chua, quả sung.
Trong khi đó, một nghiên cứu khoa học về ngộ độc thịt được CDC chính thức đăng lại trên trang của mình cho thấy theo thống kê những năm 1990-2000 tại Mỹ, nhiều trường hợp ngộ độc thịt đã được ghi nhận với tỉ lệ tử vong là 4%. Nhiều người bệnh cần chăm sóc đặc biệt và có thể cần phải thở máy.
Nghiên cứu này, thực hiện bởi nhóm tác giả từ CDC và Cơ quan Y tế và dịch vụ xã hội Bang Alaska, cũng cho biết độc tố có thể bị phá hủy nếu thực phẩm đó bị đun nóng đến 85 độ C trong ít nhất 5 phút. Chứng ngộ độc thịt lần đầu tiên được mô tả ở những người tiêu thụ xúc xích ở châu Âu từ thế kỷ 18.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời gian qua (từ ngày 13-7 đến 18-8) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM (2 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở… Vì vậy trưa 29-8, Cục đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về sản phẩm này.
Hai bệnh nhân phát hiện đầu tiên ở TP HCM đã tỉnh, 1 người dần cai máy thở
Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 29-8, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới xác nhận có 2 ca nhiễm độc tố từ vì khuẩn Clostridium botulinum đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Người lớn. Đây là 2 ca đầu tiên được phát hiện ở TP HCM. Về loại độc tố này, BS Vĩnh Châu cho biết đó cũng chính là thứ người ta dùng là "botox" trong thẩm mỹ. Với tác động gây liệt cơ, ở liều lượng ít, botox giúp làm đẹp, giảm nếp nhăn. Nhưng với liều lượng nhiều thì gây ngộ độc.
Theo TS-BS Dương Bích Thủy, Phó Trưởng Khoa Hồi sức - tích cực chống độc Người lớn, 2 bệnh nhân đang được điều trị là 2 chị em tuổi trung niên, sống cùng nhau. Ban đầu khi họ được cấp cứu, triệu chứng rất giống uốn ván, nhưng vì có 2 ca cùng lúc nên các bác sĩ đã nghi ngờ nguyên nhân khác, sau đó khai thác được là 2 người cùng ăn chay trường và có ăn sản phẩm pa tê này. Ngoài 2 chị em, còn 1 người anh trai cũng ăn và có triệu chứng sụp mi, nhưng do anh này mới ăn 1-2 ngày nên sau khi được thông báo và dừng ăn, anh đã tự hồi phục.
Trong 2 nữ bệnh nhân thì người em hồi phục tốt hơn, hiện đã cai máy thở ngắt quãng và cử động được chân tay. Người chị nặng hơn, dù đã tỉnh táo nhưng chỉ mới cử động được các đầu chi và mấp máy môi, hiện đang thở máy.
Bình luận (0)