Ca đột quỵ mới nhất được cứu sống là anh Ng.H.V. (22 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang). Trước ngày nhập viện vài tháng, chàng sinh viên năm cuối chuyên ngành thủy sản vốn không bia rượu, thuốc lá bỗng dưng nói ngọng, yếu tay chân bên phải. Được đưa vào Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ chụp động mạch não cho thấy bệnh nhân bị hẹp não giữa bên trái. Bệnh nhân V. được xử trí khơi thông động mạch não với sự góp sức của các chuyên gia, trong đó người trực tiếp thực hiện là TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM. Sau khi được can thiệp, V. không còn bị liệt người và trở lại cuộc sống bình thường.
Khó cứu vì mất “thời gian vàng”
Không may mắn như V., sự ra đi quá đột ngột của anh N.X.T (42 tuổi; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) cũng do đột quỵ cách đây không lâu khiến người thân, bạn bè chưa hết bàng hoàng. Còn độc thân, khỏe mạnh nhưng không ai tin rằng anh lại rời xa cuộc sống khi tuổi đời còn trẻ. Anh T. sống một mình tại một trang trại ở Đồng Nai, nuôi hàng trăm vật nuôi, trồng nhiều hoa quả. Cuộc sống của anh có thể là ước mơ của không ít người vì hằng ngày được vui thú điền viên, hít thở không khí trong lành.
Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Vào giữa đêm khuya, khi chuẩn bị đi ngủ thì cơn đột quỵ bỗng xuất hiện khiến anh T. té sóng soài. Anh cố sức quơ lấy chiếc điện thoại và gọi cho người thân. Nhưng khi người thân đi ô tô từ Bình Dương xuống đưa anh lên BV Chợ Rẫy cấp cứu thì tình trạng đã trở nặng. Tại BV, kết quả chụp não cho thấy anh bị xuất huyết não trái nặng, lan tỏa qua phải, phù nề. Anh được cấp cứu tích cực sau 1 ngày đêm hôn mê, đến trưa hôm sau thì không qua khỏi.
Trường hợp ông T.Q.S (53 tuổi, ngụ TP HCM) được đưa vào cấp cứu tại BV Nhân dân 115 TP HCM mới đây cũng cho thấy sự chủ quan. Lâu nay, ông S. vẫn uống thuốc điều trị cao huyết áp, tiểu đường; tập luyện thể dục thường xuyên. Hai ngày trước đó, thuốc huyết áp hết nhưng ông không mua uống tiếp. Buổi tối trước ngày nhập viện, ông có biểu hiện tê yếu chân tay và nửa người bên trái nhưng chủ quan không vào viện sớm vì tưởng mỏi mệt do thời tiết thay đổi. Đến sáng hôm sau, tình trạng càng trở nặng, ông được người nhà đưa đi cấp cứu thì não đã xuất huyết nhẹ, liệt bên trái. Hiện ông đang được các bác sĩ Khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115 TP HCM theo dõi chặt chẽ.
Theo các chuyên gia về đột quỵ, những trường hợp trên cho thấy bệnh nhân đột quỵ đã không đến BV kịp với “thời gian vàng” (trong vòng 6 giờ) để được can thiệp. TS-BS Trần Chí Cường cho biết đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và người bệnh không thể biết được.
Bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ
Tại các BV trên địa bàn TP HCM như Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Quốc tế Phúc An Khang…, những ngày gần đây, số bệnh nhân đột quỵ không ngừng tăng, nhập viện dồn dập. Riêng BV Nhân dân 115 lúc nào cũng quá tải những ca bệnh loại này. Khoa Bệnh lý Mạch máu não của BV chỉ 130 giường nhưng hiện có từ 160-170 bệnh nhân nằm điều trị, chưa kể trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 30 ca trở lên. “Đáng lưu ý là số người trẻ đột quỵ gần đây gia tăng, chiếm từ 10%-15% tổng số bệnh nhân điều trị” - TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115, cảnh báo.
Trong khi đó, Trung tâm Cấp cứu và Can thiệp đột quỵ quốc tế khoảng 3 tháng gần đây đã tiếp nhận cấp cứu hơn 120 trường hợp đột quỵ, trong đó 50% là những người trẻ. TS-BS Trần Chí Cường cho biết điều đáng báo động là hiện tượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ. Trong số những bệnh nhân mà ông xử trí, không ít người ở độ tuổi 35-40, thậm chí 18-22. Hiện nay, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam còn khá cao (30%-40%) so với thế giới (20%).
Giới chuyên môn cảnh báo rằng đột quỵ không chừa một ai, nhất là những người có bệnh mạn tính. Ghi nhận cho thấy trong số nam giới đột quỵ được các BV tiếp nhận có 90% số người hút thuốc lá và 50% sử dụng rượu bia. Các bác sĩ khuyên những người có nguy cơ đột quỵ nên thay đổi lối sống, kiểm soát huyết áp, đường huyết, bổ sung thảo dược phòng chống gốc tự do, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông… Khi có các dấu hiệu đột quỵ, nên đưa nạn nhân đến BV gần nhất; cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng phương tiện an toàn để hạn chế sự xuất huyết não trầm trọng trên đường; đột quỵ phải được xử trí tức thời, người thân phải quyết đoán trong thời khắc sinh tử, không nên trì hoãn đưa đi cấp cứu vì sẽ làm mất “thời gian vàng”!
Những biểu hiện như đau đầu, choáng, tê liệt nửa người, giao tiếp ngọng nghịu… có thể là triệu chứng báo trước khả năng phát sinh đột quỵ.
Bình luận (0)