Nhiều người tưởng rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở những người ở độ tuổi từ 55 trở lên, còn dưới tuổi này thì sẽ được... miễn nhiễm. Suy nghĩ như vậy chẳng khác nào tự chuốc họa vào thân vì không có một phương cách phòng ngừa thích hợp. Thực tế cho thấy đột quỵ có thể “tấn công” mọi người ở bất cứ lứa tuổi nào và để lại hậu quả vô cùng tàn khốc.
Những triệu chứng đặc trưng cần chú ý
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong; nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khuyết tật nặng nề và lâu dài. Do đó, thực hiện nhanh chóng việc chẩn đoán là điều rất quan trọng đối với bệnh nhân. Bên cạnh đó, dược phẩm có tác dụng cải thiện đột quỵ phải được sử dụng kịp thời ở một thời gian thích hợp ngay sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Đối với những người trẻ tuổi, việc chẩn đoán có thể bị sai lầm vì thói quen suy nghĩ rằng “bệnh nhân trẻ khó có thể bị đột quỵ”.
Thường xuyên tập thể dục là một cách giảm nguy cơ bị đột quỵ ở những người trẻ tuổi. Ảnh: TẤN THẠNH
Những triệu chứng hoặc dấu hiệu đột quỵ ở những người trẻ tuổi thường giống nhau và dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vô cùng đột ngột. Những triệu chứng đặc trưng bao gồm: Đột nhiên bị tê, yếu ở mặt, tay chân, đặc biệt là chỉ xảy ra ở một bên của cơ thể; bị lú lẫn đột ngột, nói chuyện khó khăn và chậm hiểu những sự việc đơn giản; đột ngột bị rối loạn thị giác ở một mắt hoặc cả 2 mắt; đi đứng bỗng nhiên trở nên khó khăn, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp vận động; đột nhiên nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Nếu bạn hoặc những người thân có một hoặc nhiều hơn những triệu chứng kể trên thì đừng chậm trễ, phải đến bệnh viện ngay. Bạn cũng cần nên ghi chú triệu chứng đầu tiên xuất hiện vào thời gian nào vì đây là điều vô cùng quan trọng giúp thầy thuốc có những quyết định kịp thời và thích hợp. Nếu được can thiệp sớm, một số loại dược phẩm sẽ được cung cấp cho nạn nhân nhằm giảm thiểu sự tàn tật do hậu quả của đột quỵ.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở những người trẻ tuổi rất đa dạng và khác xa với những nguyên nhân cố hữu vốn gây đột quỵ cho người cao tuổi (như xơ vữa các mạch máu dẫn máu đến não, bị thuyên tắc mạch do các bệnh tim mạch, những rối loạn liên quan đến động mạch vành...). Những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi được cho là do các yếu tố di truyền gây rối loạn đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông “tụ tập bất hợp pháp”. Thực hiện chẩn đoán này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho những thành viên khác trong gia đình vì họ cùng có chung những yếu tố di truyền.
Cũng cần biết rằng một số bệnh có thể làm hẹp động mạch hoặc gây viêm các mạch máu, càng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các động mạch cảnh (cung cấp máu cho đầu và cổ) có thể bị tổn thương và sẽ gây ra đột quỵ. Sự tổn thương động mạch cảnh có thể do các nguyên nhân: cổ ưỡn ra khi nằm gội đầu ở tiệm tóc, tập yoga ưỡn cổ quá mức, ưỡn cổ về phía sau khi sơn trần nhà, thậm chí đôi khi chỉ một cơn ho, hắt hơi, ói mửa cũng có thể gây tổn thương động mạch cảnh.
Đối với những người tuổi còn trẻ khi sử dụng các chất gây nghiện, gây ảo giác như amphetamine, cocaine thì tần suất rủi ro bị đột quỵ gia tăng gấp bội.
Sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên
Không có gì nhiều hơn ngoài những khuyến cáo “kinh điển”: Sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên cho dù là những bài tập nhẹ nhàng, tránh tập dồn gây quá tải, tránh những tác động quá mức ở cổ. Cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Điều quan trọng là đừng bao giờ chủ quan nghĩ rằng còn trẻ thì lo gì đột quỵ, chính suy nghĩ này khiến những người trẻ tuổi mất cảnh giác, dễ bị đột quỵ bất ngờ!
Thật không may khi những triệu chứng có thể giúp thầy thuốc “chắc ăn như bắp” để chẩn đoán đột quỵ ở những bệnh nhân cao niên thì lại bị phớt lờ hoặc không được để ý ở nhóm bệnh nhân trẻ em và lứa tuổi thanh niên.
Bình luận (0)