Tại Việt Nam, sốt rét đang dần được khống chế, thu hẹp được phạm vi lưu hành. Năm 2018, cả nước có 4.813 bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét, giảm 70,16% so với năm 2009, có 12 trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính và 1 trường hợp tử vong do sốt rét.
Người dân nên diệt loăng quăng để chống muỗi (Ảnh minh họa)
Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi sốt rét như phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi; hàng chục ngàn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.
Mặc dù tỉ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong đã giảm trên toàn quốc. Tuy nhiên, gánh nặng sốt rét vẫn còn ảnh hưởng đến một số khu vực và các nhóm dân cư nhất định ở các mức độ khác nhau. Các chuyên gia y tế cảnh báo, sốt rét vẫn là mối đe dọa và có thể bùng phát trở lại. Hiện cả nước có khoảng 12 triệu người đang sống trong vùng sốt rét lưu hành đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù bệnh sốt rét đã được cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng hiện nay trên toàn cầu vẫn còn 3,2 tỉ người trên 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ mắc sốt rét. Đến nay đã có 219 triệu người mắc sốt rét, trong đó 435 ngàn người tử vong do sốt rét, chủ yếu xảy ra ở trẻ em.
TS. Phùng Đức Truyền, Phó viện Trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM (trực thuộc Bộ Y tế) cho hay: "Sốt rét là bệnh liên quan trực tiếp đến đời sống và đói nghèo, bệnh đang lưu hành tại nhiều địa phương trong đó khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ là điểm nóng".
Trong đó phải kể đến sự gia tăng lao động nhập cư là những người ít có tiếp cận với các cơ sở y tế, cũng như tỉ lệ kháng thuốc sốt rét cao trong khu vực; lao động thời vụ và các nhóm khác có nguy cơ cao nhất mắc bệnh sốt rét bao gồm cư dân sống trong rừng và bìa rừng (thường là các nhóm dân tộc thiểu số) và những người mới định cư ở rừng.
Bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh trong cộng đồng còn hạn chế, nhiều người dân khi mắc bệnh không đi bác sĩ mà tự ý ở nhà mua thuốc uống khiến bệnh trở nặng, gây ra tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.
Theo PGS.TS. Lê Thành Đồng, Viện Trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM, để hạn chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét, cần phải tiếp tục quan tâm đầu tư các nguồn lực, nhất là cho y tế cơ sở. Nâng cao nhận thức và sự tham gia của nhân dân, đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát, phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, xử lý kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi, tiêu diệt bệnh sốt rét ở các địa phương, tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam.
Để kết thúc bệnh sốt rét vào năm 2030 của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Ký sinh trùng kháng thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề điều trị tiền căn không đạt hiệu quả, muỗi kháng hóa chất, mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn hạn chế về trang thiết bị kiến thức, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, chất lượng các biện pháp kỹ thuật, trong điều trị, dự phòng chưa cao.
Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế, xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình dịch bệnh như di biến động dân số ngày càng nhiều vào các vùng sốt rét lưu hành, sinh thái môi trường thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo đói ở các vùng đồng bào dân tộc ít người còn cao...
Bình luận (0)