Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), đã có trẻ bị sốt xuất huyết (SXH) đi kèm với Covid-19 nhưng người nhà đưa trẻ đến BV muộn, bệnh đã vào giai đoạn nặng, rối loạn đông máu, phải truyền máu, truyền huyết tương và tiểu cầu.
Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh
Vừa qua, BV Nhi Đồng Thành phố đã tiếp nhận trường hợp trẻ sơ sinh 28 ngày tuổi, ngụ ở Cà Mau, sốt liên tục 3 ngày, nôn ói, ọc sữa 4-5 lần/ngày, tiêu phân sệt có lẫn ít máu, xuất hiện nhiều chấm xuất huyết da... Qua xét nghiệm cho thấy trẻ có các biểu hiện SXH, test nhanh kháng nguyên NS1 dương tính, siêu âm tràn dịch màng phổi, màng bụng.
Tình trạng bệnh của trẻ sơ sinh này diễn tiến phức tạp, trẻ lừ đừ, thở nhanh, nhịp tim nhanh, triệu chứng mảng bầm da, da xanh xao, tái nhợt. Các BS BV Nhi Đồng Thành phố chẩn đoán trẻ bị SXH nặng, tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa.
Trẻ được truyền dịch, truyền máu, truyền tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan, thở ôxy, dùng kháng sinh điều chỉnh toan máu, đường huyết. Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh của trẻ cải thiện dần, bú được, tỉnh táo. Đây là trường hợp SXH ở trẻ sơ sinh biểu hiện tổn thương gan nặng hiếm gặp được cứu sống.
Bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đang thăm khám cho một trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết nặng phải thở ôxy
Các BS khuyến cáo hiện vào mùa mưa nên bệnh SXH có xu hướng gia tăng, cha mẹ nên cho trẻ ngủ mùng (kể cả ban ngày), thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng, phát hoang xung quanh nhà (dọn dẹp chai lọ, hộp chứa nước...) để phòng bệnh SXH. Cha mẹ có con dưới 1 tuổi cần lưu ý nếu thấy trẻ sốt trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu như: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, lơ mơ, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, đi tiêu phân đen hay đỏ, tay chân lạnh, bỏ bú, nằm một chỗ không chạy chơi, bỏ ăn uống (với những trẻ lớn hơn) thì cần đưa trẻ vào BV ngay.
BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo thời gian này, bệnh SXH đang tăng cao, giãn cách xã hội đã được nới lỏng, giao thương bắt đầu trở lại nên ngoài bệnh SXH, số người mang mầm bệnh Covid-19 trong cộng đồng không phải ít và có thể lây nhiễm cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ không được chủ quan, phải hết sức chú ý việc phòng dịch SXH và cả Covid-19 cho trẻ.
Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời
Tại BV Nhi Đồng Thành phố mỗi ngày có 10-15 trẻ nhập viện vì SXH, số trẻ điều trị ngoại viện cũng rất nhiều. Còn tại BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), số ca điều trị SXH cũng vào khoảng 15-20 bệnh nhi/ngày, không ít ca trong số này là bệnh nặng với các triệu chứng: đau bụng, nôn ói nhiều, có tình trạng cô đặc máu.
BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH của Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho hay hiện số ca nhập viện đã tăng so với giai đoạn giãn cách xã hội. Phụ huynh có thể dựa trên dấu hiệu bệnh lý để nhận biết mức độ bệnh, giai đoạn đầu bệnh SXH có thể sốt, đau nhức người, mệt mỏi (một số trẻ lớn có thể nói cho phụ huynh biết các triệu chứng này) và sốt cao khó hạ. Đến ngày thứ 3, người bệnh có thể có dấu hiệu xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng hay ói ra dịch lợn cợn đen.
SXH biến chứng nặng sẽ từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 với các triệu chứng như đau bụng nhiều, có thể có nôn ói, tay chân lạnh, vật vã, hay li bì.
Yếu tố dịch tễ cũng là cơ sở quan trọng để định hướng chẩn đoán bệnh, ví dụ có thể người thân trong nhà đã bị SXH gần đây hoặc môi trường xung quanh nhà có nhiều muỗi thì trẻ cũng dễ mắc SXH.
"Phụ huynh cần theo dõi, khi trẻ sốt cao liên tục, khó hạ sốt dù đã uống thuốc hạ sốt , sốt liên tục từ ngày thứ 2 trở đi thì phải đưa đến khám tại các cơ sở y tế để được xét nghiệm máu xác định chẩn đoán bệnh SXH" - BS Nguyễn Minh Tuấn khuyên.
Theo các BS, một trong những nguyên nhân khiến bệnh SXH ở trẻ gia tăng và trở nặng là do phụ huynh ngại đưa trẻ đến BV vì sợ bị lây nhiễm dẫn đến mắc Covid-19. Cần biết rằng nếu không chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, trẻ mắc bệnh SXH có thể tử vong. Hiện nay, các BV nhi tại TP HCM đã thực hiện việc sàng lọc và phân luồng giữa bệnh thông thường và Covid-19 rất kỹ, nên bảo đảm an toàn khi trẻ đến khám bệnh.
Bình luận (0)