Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), số ca bệnh tay chân miệng (TCM) đã tăng từ 3 tuần nay. Những ngày gần đây tại khoa luôn có trên 30 trẻ phải nằm điều trị nội trú, trong đó có những bé nặng (độ 2b trở lên) phải nằm phòng cấp cứu của khoa.
Sẽ còn tăng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) vừa đăng tải "Cảnh báo: bệnh TCM có xu hướng gia tăng nhanh", trong đó thống kê cuối cùng là tuần thứ 29 (21 đến 26-9) cho thấy số ca trong tuần lên tới 640, là con số cao nhất từ đầu năm đến nay.
"Số ca bệnh sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Đợt cao điểm thứ 2 của bệnh này là tháng 10-12 hằng năm. Năm nay càng phải đề phòng do các biện pháp phòng ngừa Covid-19 đã khiến đợt cao điểm thứ 1 (thường khoảng tháng 3-5) biến mất. Thường các bé bị đợt 1 thì đợt 2 sẽ có miễn dịch, không bị nữa. Vì vậy, lần này số trẻ chưa có miễn dịch sẽ nhiều hơn đợt 2 mọi năm, nếu không cẩn thận đề phòng thì số ca sẽ tăng mạnh" - BS Khanh cảnh báo.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết như mọi năm, bệnh này bắt đầu gia tăng vào mùa trẻ tựu trường (tháng 9), sau đó lên cao dần. Năm nay số ca bắt đầu tăng vào khoảng tháng 6-7, khi trẻ đi học lại sau thời gian giãn cách xã hội. Đến nay thì bệnh đã tăng giống chu kỳ hằng năm, số ca nằm nội trú tại BV Nhi Đồng Thành phố luôn vào khoảng 20-40 bé.
Theo HCDC, tính từ đầu năm đến nay, toàn TP HCM đã ghi nhận 6.358 ca TCM. Riêng tuần qua, số ca bệnh tăng ở 19/24 quận - huyện, trong đó có 4 quận - huyện ở mức độ cảnh báo. HCDC nhận định đây là số liệu đáng báo động và cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây trên diện rộng.
Khám cho trẻ điều trị tay chân miệng nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)
Chỉ cần rửa tay
Theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, các dấu hiệu nghi ngờ ban đầu của bệnh là sốt 1-2 bữa sau đó hết sốt, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở miệng. Khi thấy các dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám BS nhi gần nhà để được xác định. Đa số trẻ tự khỏi trong 7-10 ngày, cần nghỉ học 10 ngày. Cứ tắm rửa bình thường, mụn nước sẽ tự khô, không bôi xanh methylene lên vì không có tác dụng, lại khiến BS khó quan sát khi khám vì màu xanh tím của thuốc bám rất dai.
"Tuy trên 90% là bệnh nhẹ nhưng các trường hợp bệnh nặng thì diễn tiến rất nhanh nên nếu điều trị tại nhà thì phải theo dõi sát trẻ" - BS Khanh lưu ý.
BS Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh cho dù chưa rõ dấu hiệu mụn nước nhưng khi trẻ sốt không rõ nguyên nhân đến ngày thứ 2 là phải đi khám, vì có thể là TCM, sốt xuất huyết hay nhiều bệnh siêu vi khác. Khi trẻ mắc TCM được cho chăm sóc tại nhà, nếu phát hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau, phải đưa trẻ tái khám ngay dù là giữa đêm: sốt cao khó hạ; thở bất thường; quấy khóc liên tục; khó ngủ, ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngồi không vững, đi loạng choạng; run tay, chân hoặc co giật; vã mồ hôi; nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú; yếu tay chân; da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.
Để phòng căn bệnh này thì quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên, bởi bệnh lây khi tay trẻ dính dịch tiết mang mầm bệnh rồi đưa lên miệng. Người lớn cũng phải rửa tay bởi tuy không bệnh nhưng có thể thành trung gian mang virus từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Tác dụng của rửa tay đã được chứng minh trong mùa Covid-19: làm TCM mất luôn đợt cao điểm thứ 1.
Bình luận (0)