Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay, thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trong 3 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự xuất hiện liên tục của nhiều bệnh mới nổi nguy hiểm, lây lan nhanh, tỉ lệ tử vong cao có nguồn gốc từ động vật như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola... Từ vật nuôi như gà vịt, chó mèo đến động vật hoang dã như khỉ, dơi, chim; từ con to như lạc đà đến nhỏ như chuột, bọ chét… đều có thể là các “ổ” bệnh lưu động, gây bệnh lẫn nhau và truyền sang người.
Những dịch bệnh này khiến hàng trăm ngàn người mắc và cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. Từ cuối năm 2014 đến nay, chỉ riêng dịch Ebola tại 4 nước Tây Phi đã khiến gần 28.000 người mắc và hơn 11.200 người tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định các bệnh mới nổi diễn biến ngày càng phức tạp, chủng virus biến đổi không ngừng khiến ngành y tế bị động.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam là một trong những nước dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật. Trong khi đó, việc chẩn đoán bệnh mới nổi rất khó bởi có những bệnh ngay cả thế giới cũng không biết bệnh gì, từ đâu và điều trị như thế nào.
Đánh giá nguyên nhân, ông Phu cho rằng do thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, gần nơi ở của người, vệ sinh chuồng trại không tốt đã tạo môi trường cho dịch bệnh phát triển, lây lan. Ngoài ra, tập tục ăn uống như ăn tiết canh, gỏi, thịt sống, gà chết,... khiến người dân mắc các bệnh liên cầu khuẩn lợn, sán, cúm A/H5N1… Vì thế, có những bệnh đã biến mất hàng chục năm nay bỗng nhiên trở lại.
Nhằm giảm thiểu và ngăn chặn dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, cho rằng phải kiểm soát tốt dịch bệnh từ gia súc, gia cầm. Ngoài ra, nông dân cần thay đổi tập quán chăn nuôi, ăn uống và sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động.
Bình luận (0)