Đi khám bệnh và phát hiện có vấn đề về huyết áp, chị Mỵ Thị Hà (35 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) khá bất ngờ khi bác sĩ (BS) khuyên chị nên ăn lạt hơn.
Hại tim, thận
Trước giờ, chị Hà luôn thích những món ăn có vị đậm đà, bữa cơm phải có chén nước mắm nguyên chất, ăn trái cây cũng phải chấm muối, khi luộc rau cũng cho ít muối vào để rau xanh, rau quả mang về cũng rửa qua nước muối để sát khuẩn. Thói quen này có từ nhỏ. Nay lên TP HCM làm công việc văn phòng đã lâu nhưng khẩu vị của chị thì vẫn thế.
Theo BS Nguyễn Vũ Linh, chuyên khoa dinh dưỡng - Trung tâm Phòng chống chấn thương và Các bệnh không lây, lượng muối cần nêm nếm thêm trong khẩu phần hằng ngày của một người chỉ khoảng 1 muỗng cà phê là đủ nhưng do thói quen ăn uống ưa đậm đà của người Việt, sử dụng không chỉ muối mà còn nước mắm, tương và các loại gia vị chứa muối khác hoặc do lối sống hiện đại, bận rộn nên không kỹ lưỡng trong chế biến thức ăn, ăn nhiều đồ ăn sẵn… dễ khiến cơ thể thừa muối.
Ngoài ra, các BS cũng lưu ý lượng muối cần thiết cho cơ thể cũng dao động tùy thuộc vào mức độ vận động của người đó. Một người thường xuyên lao động nặng hoặc tập thể thao với cường độ cao thường mất mồ hôi nhiều, cần bù muối và nước nên họ có xu hướng ăn mặn hơn người khác và điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu công việc, cuộc sống không đòi hỏi vận động nhiều mà vẫn có thói quen ăn quá mặn. “Thừa muối dẫn đến nhiều nguy cơ có thể chúng ta chưa nhìn thấy ngay như tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương...” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, nhấn mạnh.
Sở dĩ cơ thể gặp phải những vấn đề đó là do khi thừa muối (với thành phần là natri và clo), cơ thể tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác, gây “mệt mỏi” cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này.
Lạt quá cũng nguy
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các BS thường khuyên “nên ăn lạt” là do người Việt Nam thường có thói quen ăn mặn chứ không có nghĩa là nên tránh xa muối vì muối rất cần cho các hoạt động của cơ thể. “Thiếu muối có thể gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng co cơ. Trầm trọng hơn, nếu thiếu muối quá nhiều mà không được bổ sung kịp thời, nhất là ở những người vừa trải qua giai đoạn vận động nặng, có thể gây rối loạn hệ thần kinh, tổn thương não, phù não…” - BS Linh cảnh báo.
Còn theo BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, ăn quá ít muối còn gây ra hiện tượng rối loạn điện giải, dẫn đến loãng xương. Thiếu muối, tức là thiếu luôn ion Cl- khiến ion Ca2+ (canxi) không thể gắn kết để hoàn thành tốt quá trình tạo xương. Ngược lại, nếu thừa muối, người ta cũng có thể bị loãng xương bởi quá trình đào thải natri cũng kéo theo việc đào thải quá nhiều canxi qua nước tiểu khiến cơ thể thiếu canxi.
5 g muối là vừa Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, mỗi ngày, một người chỉ nên ăn 5 g muối. Con số này bao gồm cả lượng muối chứa sẵn trong thực phẩm, vì vậy nên chú ý lượng nước chấm, nước mắm nêm trong đồ ăn và thực phẩm đã chứa muối sẵn. Riêng người bị tăng huyết áp chỉ nên ăn khoảng 2 g muối/ngày, liều lượng này còn tùy thuộc vào huyết áp đo được và tình trạng tim mạch trong từng thời điểm. |
Bình luận (0)