Sở Y tế TP HCM vừa triển khai hệ thống hỗ trợ chẩn đoán bệnh từ xa kết nối giữa Bệnh viện huyện Củ Chi với 11 bệnh viện đầu ngành của TP. Thông qua hệ thống hỗ trợ từ xa, khoa cấp cứu của Bệnh viện huyện Củ Chi đã kết nối thành công với Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Theo kế hoạch, ca hội chẩn từ xa chính thức đầu tiên giữa hai bệnh viện sẽ diễn ra vào 9 giờ sáng ngày 24-5 tới.
Trong tuần sau, Bệnh viện huyện Củ Chi cũng sẽ kết nối với các bệnh viện: Nhi Đồng 1, Từ Dũ, Bình Dân, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Da Liễu, Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp và Đa khoa khu vực Củ Chi. Hoạt động này đảm bảo Bệnh viện huyện Củ Chi luôn có thể kết nối với các chuyên gia hàng đầu của các bệnh viện tuyến trên trong trường hợp có các ca bệnh nặng vượt quá khả năng của bệnh viện huyện.
Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP, việc sử dụng công nghệ đám mây điện tử, hệ thống hỗ trợ chẩn đoán từ xa áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, cho phép kết nối bệnh nhân và bác sĩ của Bệnh viện huyện Củ Chi với các bác sĩ chuyên gia ở tuyến trên để thăm khám và chẩn đoán, bất cứ khi nào và bất kỳ nơi nào, kể cả trường hợp kết nối với các chuyên gia quốc tế.
Cụ thể, bác sĩ tuyến trên chỉ cần sử dụng thiết bị cá nhân (máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn) có kết nối Wifi, 3G đảm bảo đường truyền cao và ổn định định, sẽ dễ dàng tận mắt xem và đánh giá được tình trạng của bệnh nhân tuyến dưới, trực tiếp nghe được tiếng tim, phổi của bệnh nhân và đọc các kết quả cận lâm sàng, hồ sơ bệnh án qua màn hình.
Người dân sẽ được chẩn bệnh từ xa bởi đội ngũ bác sĩ bệnh viện tuyến trên.
Ngoài ra, nhờ vào các cổng kết nối trên hệ thống hỗ trợ từ xa với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và hệ thống EMR/PAC của bệnh viện, bác sĩ tuyến trên có thể thấy trên thiết bị cá nhân của mình các kết quả Siêu âm, X-Quang kỹ thuật số, nội soi và và hình ảnh MRI, CT scan của bệnh nhân với hình ảnh động, chất lượng cao phục vụ hiệu quả cho công tác chẩn đoán. Qua hệ thống, bác sĩ tuyến trên có thể tiếp cận được tất cả các thông tin của bệnh nhân và thông tin cận lâm sàng tức thời giúp cho việc chẩn đoán – điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ở tuyến trước, tận dụng được những thời khắc “vàng trong điều trị”.
Tại Mỹ, công nghệ này đã ứng dụng rất thành công trong việc hỗ trợ xử trí cấp cứu những bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não, hội chẩn từ xa, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt, huấn luyện từ xa.
“Nếu thí điểm thành công, Sở Y tế TP sẽ phối hợp với nhà cung cấp tiếp tục triển khai thí điểm cho toàn bộ các bệnh viện huyện trên địa bàn. Giải pháp này hy vọng góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện trung tâm, bệnh nhân không cần phải di chuyển đến các bệnh viện tuyến trên mà vẫn được tiếp cận trực tiếp với các bác sĩ chuyên gia.
Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo từ xa; giải quyết tình trạng thiếu cán bộ y tế chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trước; tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân ở vùng nông thôn với các chuyên gia y tế chuyên ngành ở tuyến trên, qua đó làm giảm chi phí y tế cho người dân ở vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận (0)