Các phòng điều trị của Bệnh viện Bạch Mai đều không còn giường trống
Vất vả chờ khám
Tại các BV có “thâm niên” quá tải như Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, K, Nhi Trung ương, Nội tiết… hàng ngàn người bệnh xếp hàng dài chờ khám. Những bệnh nhân “xông đất” phòng khám BV sau kỳ nghỉ Tết dài phần lớn là bệnh nhân mãn tính đến khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ (BS) từ trước Tết. Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý thông thường do tác động của thời tiết quá khắc nghiệt trong những ngày Tết.
Tại BV K Trung ương, mới hơn 8 giờ ngày 1-2, người bệnh chờ khám đã đứng, ngồi chật kín hành lang trước các phòng khám. Chị Phạm Thị Thuận, 42 tuổi, ở Thanh Hóa, trở lại BV theo lịch hẹn của BS, cho biết để được khám sớm, chị phải lên Hà Nội từ chiều hôm trước, nghỉ trọ qua đêm ở gần BV để sáng kịp khám, làm các xét nghiệm cho kịp trở về trong chiều cùng ngày. Tại khu điều trị của BV K, nhiều bệnh nhân không có chỗ nằm đã phải xếp giường ngoài hành lang để ngồi truyền hóa chất.
Rất nhiều ca bệnh nặng đã được chuyển đến Bệnh viện K
Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BS Nguyễn Trung Cấp, phó trưởng khoa, cho biết mới 3 ngày đầu tuần mà hơn 40 giường bệnh của khoa đã chật kín bệnh nhân, trong khi số bệnh nhân từ các nơi khác vẫn tiếp tục được chuyển về. Phần lớn đều là những ca rất nặng, bị các bệnh như viêm màng não, uốn ván, viêm phổi, nhiễm trùng huyết. “Trong số này có không ít bệnh nhân “kiêng” chữa bệnh ngày Tết nên bệnh tình càng nặng hơn”- BS Cấp cho biết.
Bệnh vì ăn Tết “thả phanh”
BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K, cho biết thông thường trước Tết, các khoa, phòng của BV sẽ cố gắng giải quyết cho những trường hợp bị bệnh nhẹ có thể về quê ăn Tết, trừ bệnh nhân rất nặng mới phải ở lại. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, BS cũng phải ghi giấy hẹn tái khám ngay sau thời gian hết nghỉ Tết. “Vì không phải bệnh nhân nào về nhà ăn Tết cũng tuân thủ các chế độ ăn uống, sinh hoạt, uống thuốc mà BS khuyến cáo. Thực tế đã có bệnh nhân nghỉ Tết “ăn chơi thả phanh” nên phải nhập viện cấp cứu”- BS Bảo khẳng định.
Cùng với đó, do thời tiết vẫn tiếp tục rét đậm kéo dài nên số bệnh nhi, người già nhập viện cũng tăng đáng kể. BV Nhi Trung ương cho biết số trẻ tới khám do mắc bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa mỗi ngày một tăng. Ngoài thói quen ăn uống trong những ngày Tết bị đảo lộn gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ thì đợt rét đậm kéo dài là nguyên nhân khiến các bệnh về hô hấp phát sinh. Những ngày qua, Khoa Khám bệnh tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhi tới khám, chiếm 70% - 80% vẫn là các bệnh lý thông thường mà trẻ nhỏ hay mắc phải.
Thiếu chỗ nằm vì “rồng vàng”
Ngay những ngày đầu tiên hoạt động trở lại, BV Phụ sản Trung ương và BV Phụ sản Hà Nội cũng như các phòng khám sản khoa nườm nượp thai phụ. Tại BV Phụ sản Trung ương, không chỉ khu khám bệnh rất đông thai phụ đến khám, đặt lịch khám mà ngay tại Khoa Sản đã phải xếp thêm giường nằm cho sản phụ dọc hành lang. Các phòng hầu hết đều có 2- 4 sản phụ/giường.
BS Trần Quốc Việt, phó giám đốc BV, cho biết mấy ngày qua, mỗi ngày, BV đón 60 - 70 trẻ chào đời. Mặc dù BV đã có nhiều giải pháp giảm tải nhưng vẫn chỉ là biện pháp tình thế. Năm 2011, BV tiếp nhận 21.000 ca sinh thường và sinh cấp cứu nhưng năm Nhâm Thìn được dự báo tình trạng quá tải sẽ còn trầm trọng hơn. |
TPHCM: Số lượng bệnh nhân chỉ tăng nhẹ Lượng bệnh nhân đến các BV lớn tại TPHCM những ngày sau Tết chỉ tăng nhẹ, có nơi thậm chí giảm. BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, cho biết BV này chỉ đông bệnh nhân đột biến vào những ngày trước Tết, có ngày trên 2.000 lượt. Sau Tết, số lượng bệnh nhân trở về bình thường, có khoa phòng còn giảm nhẹ. Tại BV Phạm Ngọc Thạch, số lượng bệnh nhân sau Tết, có tăng nhẹ. “Năm nào mấy ngày sau Tết bệnh nhân cũng đông hơn một chút, tuy nhiên con số này không đáng kể và cơ sở hạ tầng của BV vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân” – BS Nguyễn Huy Dũng, giám đốc BV, cho biết. BS Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV Nhân dân Gia Định, phân tích: “Một số bệnh nhân có nhu cầu làm các phẫu thuật không mang tính cấp cứu như cắt amidan, mổ điều trị viêm xoang… thường đợi sau Tết mới tìm đến BV để làm, nhu cầu khám bệnh của người dân sau những ngày nghỉ Tết cũng tăng nên thời điểm này và một vài tuần tiếp theo, một số khoa phòng sẽ đông người bệnh hơn bình thường. Tuy nhiên, con số tăng không đáng kể, không thể quá tải. Hiện nay, khu vực ngoại trú tiếp nhận khoảng hơn 3.000 bệnh nhân/ngày (bình thường là gần 3.000). Khu vực ngoại trú có khoảng 1.200 bệnh nhân (bình thường là 1.400). Trước đó, chúng tôi cũng đã dự phòng việc bệnh nhân bị dồn vào những ngày sau Tết nên đã chủ động sắp xếp hẹn bệnh nhân tái khám một cách hợp lý tùy theo tính chất của bệnh, bệnh không gấp có thể hẹn sang mùng 10, 11 tháng giêng hoặc sau đó nữa để tránh ngay mùng 8 Tết bắt đầu làm việc là bệnh nhân đã dồn đến quá đông, ảnh hưởng đến chuyên môn”.
A.Thư |
Bình luận (0)