Những vướng mắc này đã được đưa ra tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ngày 4-9, tại Hà Nội. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) từ ngày 1-1- 2010, các đối tượng sẽ tham gia BHYT với mức đóng là 4,5% lương tối thiểu và giảm mức đóng từ 10%- 40% đối với hộ gia đình tham gia. Với học sinh sinh viên, mức đóng BHYT là 3% lương tối thiểu. Ngân sách Nhà nước bảo đảm cho một số đối tượng người nghèo, người có công, người cao tuổi...
Trái tuyến vẫn được chi trả
Cũng theo bà Hương, thông thường các đối tượng cận nghèo phải đóng 50% mệnh giá thẻ, ngân sách hỗ trợ 50% phí đóng. Riêng tại ĐBSCL, đối tượng cận nghèo sẽ chỉ đóng 20% mệnh giá thẻ bởi ngoài 50% phí đóng được trợ giúp từ ngân sách, 30% phí còn lại sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của các tổ chức khác.
Về quyền lợi, người bệnh sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn được thanh toán không quá 40 tháng lương tối thiểu (khoảng 26 triệu đồng); riêng trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, lực lượng công an, quân đội... được thanh toán 100%. Bà Hương cho biết hiện người bệnh vẫn có tâm lý lên tuyến trên để khám, điều trị. Vì vậy, quy định chi trả cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến của Luật BHYT sẽ giúp người dân mặn mà hơn với BHYT. Theo đó, người bệnh được trả 70% chi phí nếu KCB tại cơ sở KCB đạt tiêu chuẩn hạng 3 và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Nếu tại cơ sở đạt tiêu chuẩn hạng 2 sẽ được chi trả 50%; hạng 1, hạng đặc biệt là 30%.
Vi phạm giao thông không được thanh toán
Bà Hương cho biết trước đây các trường hợp tai nạn giao thông vẫn được bảo hiểm thanh toán toàn bộ nhưng từ nay trở đi, Quỹ BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp tai nạn giao thông nhưng không vi phạm pháp luật giao thông. Trường hợp chưa xác định được bệnh nhân có vi phạm pháp luật giao thông hay không, trước hết người bị tai nạn giao thông tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở KCB. Khi có xác nhận không vi phạm luật giao thông của cơ quan có thẩm quyền, người bệnh mang chứng từ đến BHXH để thanh toán theo quy định.
Quỹ BHYT không thanh toán chi phí điều trị đối với trường hợp bị tai nạn lao động thuộc phạm vi thanh toán của người sử dụng lao động.
Thủ tục rườm rà, quyền lợi bị thu hẹp
Thực hiện Luật BHYT mới, người bệnh sẽ không còn được thanh toán 100% chi phí như hiện nay mà phải cùng chi trả một phần khi đi KCB. Mức người bệnh cùng chi trả là 5% và 20% cho từng đối tượng trong trường hợp tổng chi phí của một lần KCB cao hơn 97.500 đồng.
Bác sĩ Vũ Quý Hợp, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Trung ương, cho biết hình thức thanh toán bằng thẻ BHYT sẽ thuận lợi hơn cho các BV, tuy nhiên để thực hiện được theo quy định mới sẽ mất nhiều thời gian. Giám đốc BV Thanh Nhàn, ông Đặng Minh Chính, cho rằng quy định này khá phức tạp vì mặc dù cơ quan bảo hiểm đã thông báo sẽ có mã thẻ phù hợp với đối tượng cùng chi trả 5%, 20% và không cùng chi trả được thanh toán 100%, tuy nhiên đến thời điểm này, BV vẫn chưa nhận được mã thẻ. Nếu mã thẻ này được đưa vào hệ thống máy tính thì việc thanh toán sẽ nhanh gọn, nếu nhân viên chi trả phải tính thủ công thì sẽ rất rắc rối và chắc chắn là không thể làm được.
Ông Hoàng Minh Anh, Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Mắt Trung ương, cho rằng việc cùng chi trả sẽ không chỉ hành bệnh nhân mà còn làm cho công việc của bộ phận tài chính phức tạp hơn rất nhiều.
Lãnh đạo một số bệnh viện khác cũng cho rằng cần rà soát lại danh mục vật tư y tế giữa cơ quan bảo hiểm và BV. Nếu hai danh mục này không trùng khớp thì người bệnh sẽ phải trả thêm chi phí cho việc sử dụng những trang thiết bị này.
Làm thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi Kể từ ngày 1-10, thay vì thực thanh thực chi, nhóm trẻ dưới 6 tuổi sẽ thực hiện KCB BHYT. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương cấp thẻ cho các đối tượng này. Với trường hợp chưa được cấp thẻ tạm thời vẫn tiếp tục trình thẻ KCB miễn phí hoặc giấy khai sinh, giấy chứng sinh. Đối với trẻ sơ sinh, thủ trưởng cơ sở y tế, cha (hoặc mẹ), người giám hộ ký chịu trách nhiệm vào hồ sơ bệnh án. Bộ Y tế yêu cầu các khoa nhi, phòng khám nhi cần chuẩn bị các điều kiện làm thủ tục KCB cho các đối tượng này để bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi. |
Bình luận (0)