Nhiều người dân đã tới hiến máu sau khi có thông tin BV thiếu máu cấp cứu người bệnh
Ngày 26-1, rất đông người dân và nhân viên y tế đã tham gia hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) để có thêm nguồn máu cấp cứu bệnh nhân, nhất là nạn nhân tai nạn giao thông.
Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, với đặc thù là BV tuyến cuối trong điều trị và phẫu ngoại khoa, hằng năm BV thực hiện khoảng 60.000 - 70.000 ca phẫu thuật. Năm 2018 tổng số phẫu thuật trên 67.000 ca. Trung bình mỗi ngày BV mổ trung bình 150 ca mổ phiên (mổ đã lên lịch từ trước) và khoảng trên 30 ca mổ cấp cứu, trong đó phần lớn là nạn nhân tai nạn giao thông và hầu hết cần truyền máu.
"Dù khoa học đã có nhiều tiến bộ nhưng máu là sản phẩm đặc biệt không thể sản xuất nhân tạo và chỉ có thể trông chờ từ người hiến tặng tình nguyện. Nhưng do lượng máu hiến tặng chưa đủ so với nhu cầu máu điều trị cho người bệnh nên các cơ sở điều trị luôn thiếu máu. Người hiến chỉ có thể hiến tối đa một đơn vị máu thể tích 450 ml nhưng có những bệnh nhân cấp cứu phải truyền tới 15- 20 đơn vị máu, tương đương với số lượng máu của từng đó người hiến. Do đó chúng tôi rất mong người dân và người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu để giúp nguồn máu dự trữ phong phú, góp phần cứu được nhiều hơn nữa những ca bệnh nặng, cần lượng máu lớn"- GS Giang nói.
Một bác sĩ của BV Việt Đức hiến máu để cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông
Theo ông Giang, dịp cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng máu tăng cao do BV Việt Đức là cơ sở tuyến cuối phải đảm nhận nhiệm vụ điều trị cấp cứu tuyến cuối của cả nước với những trường hợp tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hay tai nạn lao động rất phức tạp và nặng nề, nên lượng máu sử dụng trong phẫu thuật tại BV luôn đòi hỏi ở mức độ lớn.
Các bác sĩ cho biết máu thu được từ người hiến chỉ là nguyên liệu đầu vào cho cơ sở truyền máu, máu này chưa thể sử dụng để truyền cho người bệnh. Để có thể đưa vào truyền 1 đơn vị máu cho người bệnh thì cần trải qua rất nhiều khâu. Cụ thể, sau khi tiếp nhận, những đơn vị máu đó sẽ được đưa về BV để tiến hành các bước xét nghiệm, sàng lọc các loại virus, vi khuẩn lây truyền qua đường máu, xét nghiệm xác định nhóm máu. Sau đó máu sẽ được bảo quản, lưu trữ với trang thiết bị chuyên dụng, mỗi loại chế phẩm máu sẽ được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ và thiết bị khác nhau. Ngoài ra, còn các chi phí như vận chuyển, hóa chất, sinh phẩm dùng để xét nghiệm hòa hợp trước khi truyền máu...
Tất cả các quy trình đó phải được bảo đảm thì máu mới được sử dụng truyền cho người bệnh. "Một đơn vị máu tươi không thể lấy rồi truyền trực tiếp ngay cho người bệnh mà cần rất nhiều khâu đi kèm và kéo theo đó là chi phí. Không tính chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vì một đơn vị máu hiến cần một bộ 4 bịch chứa máu/người hiến (với chi phí ít nhất 20 USD); chi phí xét nghiệm phân tử sàng lọc HIV ít nhất là 1,2 triệu đồng/đơn vị máu để giúp rút ngắn thời gian cửa sổ từ 24-30 ngày xuống còn 7 ngày để tăng an toàn truyền máu; các chi phí xét nghiệm viêm gan B, C, HPV..." - một bác sĩ cho biết.
Lượng máu được lấy từ người hiến tối đa trong một lần hiến là 450 ml
Thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho thấy hiện nay, tỉ lệ người hiến máu ở nước ta khoảng 1,6% dân số, song tình trạng khan hiếm máu vẫn diễn ra có tính chu kỳ vào dịp hè, Tết Nguyên đán – khi mà lực lượng hiến máu chính là học sinh sinh viên bước vào đợt nghỉ kéo dài.
Bình luận (0)