Ngày 10-8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho hay vừa điều trị thành công một người bệnh tuổi trung niên bị phình động mạch thân tạng có biến chứng vỡ hiếm gặp, tạo khối máu tụ to chèn ép gây tắc mật, xuất huyết tiêu hóa và hệ thống động mạch bị phình nhiều nơi.
Bệnh nhân là anh L.V.V., (37 tuổi, ngụ TP HCM), bị tăng huyết áp hơn 10 năm nay nhưng chủ quan không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Gần đây, trong lúc đang làm việc, anh V. đột ngột chóng mặt, phải đi cấp cứu trong tình trạng nôn ra máu đỏ bầm, đau thắt vùng thượng vị.
Sức khỏe anh V. phục hồi sau 2 lần được các bác sĩ can thiệp
Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng và động mạch dưới đòn trên bệnh nền tăng huyết áp, có nguy cơ tử vong cao nếu túi giả phình tiếp tục phát triển, đồng thời có nguy cơ thúc đẩy biến chứng diễn tiến nặng như tắc mật, chảy máu tiêu hóa.
Qua 2 lần can thiệp đặt khung hợp kim có màng phủ (stentgraft) để che túi giả phình và chuyển dòng chảy vào động mạch gan, tiếp đến đặt 6 coil với chiều dài hơn 3,6m (mỗi coil dài 60cm, đường kính 1mm) để lấp đầy khối giả phình, giải quyết triệt để nguy cơ. Sau can thiệp, sức khỏe anh V. bình phục.
Theo BS Nguyễn Quang Thái Dương, Trưởng Đơn vị can thiệp mạch tạng Bệnh viện Đại học Y Dược, vỡ phình động mạch thân tạng là bệnh hiếm gặp, vỡ phình tạo khối máu tụ và giả phình hoạt động có biến chứng tắc mật và xuất huyết tiêu hóa càng hiếm hơn. Đây là bệnh rất nguy hiểm vì ngay cả túi phình với kích thước nhỏ thì nguy cơ vỡ rất cao.
Bình luận (0)