Cách đây hơn 1 năm, bé trai T.H.M. (9 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ cận gần 2,75 độ ở mắt phải và 3,5 độ ở mắt trái nhưng cách đây ít ngày, khi đưa con đi khám mắt, gia đình giật mình khi bác sĩ thông báo kết quả chụp tật khúc xạ của con đã tăng lên 6,5 độ mắt phải và 7 độ mắt trái.
Mẹ bé M. cho biết con bị cận thị ngay khi học lớp 1, từ đó đến nay gia đình thường xuyên cho con đi khám mắt. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, do dịch Covid-19 nên việc kiểm tra mắt định kỳ cũng bị dừng lại.
Tình trạng mắc các tật khúc xạ gia tăng sau thời gian bùng phát dịch Covid-19 - Ảnh: H.Phương
"Sau thời gian ở nhà học trực tuyến vì dịch Covid-19, gần đây thị lực của con bất ngờ suy giảm. Con chỉ xem điện thoại, máy tính, thậm chí đọc sách một lúc là kêu mỏi mắt. Mới đây, đi học trên lớp dù đã ngồi ngay bàn thứ 2 nhưng con vẫn kêu nhìn mờ... Đưa con đi khám mới biết độ cận của con tăng nhanh lại kèm thêm cả loạn thị, phải điều trị" - mẹ bé M. cho biết.
Bác sĩ Trần Ngọc Hưng, Trưởng Khoa mắt, Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội) Hà Nội cho biết tình trạng trẻ phải "đeo kính" sau dịch Covid-19 tăng nhanh. Ngoài những trường hợp đã bị cận từ trước đó thì có rất nhiều trẻ mắc phải các tật khúc xạ sau thời gian học trực tuyến ở nhà để phòng dịch Covid-19, trong đó phổ biến là cận thị. Cứ 10 trẻ tới khám cận thị thì có tới 7-8 trẻ bị tăng độ cận và phải thay kính.
"Vừa hôm qua, có một bệnh nhi 7 tuổi được mẹ đưa đến khám với biểu hiện mắt kém, nháy mắt liên tục khi ngồi học, nghiêng đầu khi xem tivi, thường xuyên dụi mắt... Khi đo tật khúc xạ thì phát hiện bé cận 2 độ mắt phải và 1,75 độ mắt trái. Bệnh nhi phải đeo kính để kiểm soát việc tăng độ cận"- bác sĩ Hưng nói.
Bác sĩ chuyên khoa mắt Đinh Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô, cho biết ngoài việc tiếp xúc ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, gây hại cho mắt thì khi trẻ ở nhiều trong nhà, thiếu ánh sáng tự nhiên cũng khiến bị giảm thị lực. Nhiều trường hợp trước đó thị lực hoàn toàn bình thường, nhưng sau khi học online kéo dài, thị lực giảm đáng kể.
"Thông thường khi nhìn ở khoảng cách trên 6 m, mắt sẽ không phải điều tiết nhiều. Ngược lại, khi không đạt khoảng cách này, mắt buộc phải điều tiết nhiều hơn, kéo theo nguy cơ gây ra tật khúc xạ"- bác sĩ Thủy chia sẻ.
Nêu thực tế, đại dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm qua khiến bệnh cận thị có nguy cơ bị bỏ quên, bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết việc học tập thông qua các thiết bị điện tử trong nhiều giờ đồng hồ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến mắt của trẻ.
Theo bác sĩ Cương, thời lượng làm việc bằng mắt với các loại máy tính, màn hình chỉ được cho phép dưới 5 giờ/ngày. Nhưng với thời gian học online thì việc sử dụng máy tính, điện thoại có thể lên đến 7-8 giờ, thậm chí nếu trẻ tiếp tục giải trí tiếp bằng các thiết bị có màn hình thì thời lượng có thể lên tới 10-12 giờ/ngày. Điều này, tác động không tốt đến sức khỏe đôi mắt.
"Các nghiên cứu cho thấy khi chúng ta làm việc với các phương tiện có màn hình, ở cự ly gần trên 7 giờ/ngày thì tiến triển của cận thị sau 5 năm thì khoảng 70% sẽ mắc cận thị, nếu đã cận thị rồi thì sẽ tăng số tương ứng với cường độ và thời gian làm việc bằng các loại màn hình"- bác sĩ Cương dẫn chứng.
Để giảm tình trạng tăng độ cận của mắt, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ phát hiện bị các vấn đề về tật khúc xạ phải được theo dõi, điều trị ở những cơ sở chuyên khoa. Ngay cả việc đo thị lực và cắt kính cũng cần thực hiện ở các cơ sở y tế thay vì ra các cửa hàng kính mắt để cắt kính khi bị tăng độ cận.
"Thực tế có nhiều trẻ bị cận nhưng mắc thêm các bệnh lý về mắt trong khi nếu chỉ đo tật khúc xạ bằng máy thì sẽ không phát hiện được. Để giúp xác định các tật khúc xạ như: Cận thị, viễn thị, loạn thị… thì ngoài đo tật khúc xạ buồng tối để thử thị lực, một số trường hợp phải nhỏ thuốc làm liệt điều tiết mắt để xác định một cách chính xác. Nếu các cửa hàng kính không thực hiện đúng quy trình và không có các phương tiện để xác định sẽ không chẩn đoán đúng tình trạng bệnh"- bác sĩ Hưng giải thích.
Phẫu thuật lasik cho người cận thị tại Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội)
Theo bác sĩ Hưng, khi phát hiện bị cận, trẻ phải đeo kính có độ cận phù hợp với mắt để hạn chế tình trạng mỏi mắt do điều tiết thường xuyên. Với trẻ bị cận nhẹ (dưới 2 độ) do mắc có thể bỏ kính khi nhìn gần (đọc sách, xem tivi) nhưng nếu ngồi học trong lớp, nhìn bảng khoảng cách 1,5 đến 2 m phải đeo kính. Ngoài ra, bị cận trên 3 độ buộc phải đeo kính thường xuyên, trừ lúc ngủ.
Hiện có nhiều phương pháp để làm chậm sự tiến triển của cận thị, trong đó tốt nhất là sau 30 - 45 phút học bài hoặc tiếp xúc với máy tính nên cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra xa (khoảng 6 m) từ 3-5 phút. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc atropine nhỏ mắt theo chỉ định của thầy thuốc.
Một phương pháp được đánh giá khá hiệu quả trong việc làm chậm quá trình cận thị hóa là đeo kính áp tròng ban đêm. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe đôi mắt, tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử, dành thời gian nghỉ ngơi, luyện tập cho mắt, đồng thời bổ sung các loại thực phẩm, trái cây có nhiều vitamin A, E và Omega 3.
Các phụ huynh định kỳ 6 tháng/lần nên cho trẻ đi khám mắt. Với trẻ là học sinh tiểu học và THCS có các tật khúc xạ hoặc có dấu hiệu bất thường về mắt nên cho khám định kỳ 3 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)