Theo BS Tuấn, cận thị thường xảy ra ở những đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên… nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Trẻ bị cận thị có những biểu hiện ban đầu như đi học khi nhìn thường có dấu hiệu hay mỏi mắt, đau đầu, sợ ánh sáng, nhìn cự ly xa không rõ... Độ tuổi học sinh là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh, có thể dẫn tới các biến chứng gây mù lòa. "Cận thị ở trẻ em đang ngày một nhiều, đặc biệt là ở các TP lớn. Thực tế cho thấy, trẻ em sinh ra có dị tật về mắt như cận thị chỉ chiếm tỉ lệ 10%, còn tới 90% trẻ bị cận thị là do các nguyên nhân khác gây ra như nhìn gần, nhìn không đủ ánh sáng hay sinh hoạt không khoa học" - BS Tuấn nói.
Trẻ em cần được khám sàng lọc mắt mỗi năm ít nhất một lần
Bên cạnh đó, có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ do không được chỉnh kính. Nhiều nghiên cứu về tình trạng mắt trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh ở Việt Nam, đã chỉ ra hiện có khoảng 2 - 3 triệu trẻ bị lác, chiếm khoảng 2% - 4% tổng dân số của nước ta. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ không được khám, chữa kịp thời đã gây ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và cả thị lực.
PGS-TS-BS Nguyễn Đức Anh, Trưởng Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, khuyến cáo cha mẹ khi thấy trẻ có các dấu hiệu lác mắt, sụp mi, xem tivi gần, nháy mắt liên tục, nhức, mỏi mắt, khó nhìn xa hoặc nheo mắt khi nhìn xa thì nên đưa đi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt. Ngoài ra, cha mẹ cần tập thói quen đưa trẻ đi khám sàng lọc mắt mỗi năm ít nhất một lần, với trẻ bị tật khúc xạ là 2 lần. Lần thăm khám đầu tiên nên được tiến hành sớm, ngay khi trẻ 3 - 4 tuổi, tức là độ tuổi đã có thể hợp tác trong quá trình khám.
Bình luận (0)