Tại khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, bệnh nhân được xác định rơi vào tình trạng sốc phản vệ, trụy tim mạch, tay phải có vết mẩn đỏ to bằng quả trứng.
Nghi ngờ nguyên nhân do dị ứng với chất độc của kiến, các bác sĩ đã điều trị để giảm triệu chứng sốc. Sau 4 giờ đồng hồ điều trị, sáng nay (22-12) mặt và cổ của bệnh nhân 21 tuổi giảm sưng, tim mạch ổn định, tuy nhiên vẫn còn sốt nên phải nằm viện để được theo dõi.
Bệnh nhân cho biết, tối 21-12, anh đang ngồi ăn cơm tại nhà thì phát hiện bị đau điếng ở chân.
Mẹ của bệnh nhân cho hay, đó là con kiến màu đen to như kiến vàng và là con duy nhất được phát hiện trong nhà. "Trông nó như loại kiến mà tôi từng gặp khi còn ở Tiền Giang. Tuy nhiên loại kiến ở quê đốt chỉ đau nhức chứ không nghiêm trọng như thế này", bà này nói.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ do cơ địa thuộc loại nhạy cảm. Trước đây, khi ăn đồ biển, anh này từng bị nổi mẩn đỏ cả người.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM khuyên những người có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng, không nên chủ quan khi bị côn trùng đốt. Khi thấy có dấu hiệu ngứa toàn thân hoặc sưng phù thì nên đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị.
Bình luận (0)