Chị gái tôi thì bảo chó mèo cắn, cào, chuột cắn đều phải chích ngừa dại vì bệnh này đã lên cơn là không cứu nổi. Tôi thì nghĩ chó cắn vết thương lớn, sâu, chứ vết nho nhỏ như mèo cào chắc không đến nỗi? Con tôi thích động vật nên đã từng bị chúng gây ra những vết trầy nho nhỏ. Những khi đó tôi phải xử lý thế nào mới đúng?
(Trần Thị An Hòa, 32 tuổi, Long An)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM):
Khi bị chó, mèo, chuột tấn công, ngoài tổn thương da thịt, trẻ còn có nguy cơ nhiễm bệnh từ chúng, trong đó nguy hiểm nhất là dại và uốn ván.
Việc đầu tiên khi trẻ bị chó, mèo, chuột… tấn công là chị phải rửa sạch vết thương cho bé tại chỗ, bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, oxy già càng tốt. Sau đó, vết thương cần được sát trùng. Có thể sử dụng các thuốc bôi vết thương phổ biến như povidine, xanh methylene, nếu không có sẵn thì có thể dùng tạm xà bông.
Việc sát trùng kỹ giúp loại bỏ bớt các vi khuẩn có trong miệng, móng… của các loài động vật nói trên, đặc biệt là vi trùng uốn ván. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng sát trùng ban đầu, loại bỏ bớt vi khuẩn là đã xong. Đúng như chị được nghe nói, bệnh dại và uốn ván chỉ có cách chống lại hiệu quả là chích ngừa.
Với các bệnh nhân bị động vật cắn, cào, có khi bác sĩ không yêu cầu chích nhưng đó thường là vết thương cực kỳ nhẹ, chó mèo là chó mèo nhà, được tiêm phòng đầy đủ và có thể nhốt lại theo dõi.
Để quyết định chích hay không, con bạn cần được thăm khám, kiểm tra vết thương trực tiếp và hỏi thêm nhiều yếu tố liên quan. Bạn nhất thiết phải đưa con đi khám càng sớm càng tốt. Việc có cần chích dại, uốn ván hay không, bác sĩ sẽ quyết định. Không được giữ trẻ ở nhà để cố chờ xem con mèo ấy có phát bệnh không vì có khi đến lúc nó phát bệnh thì đã muộn.
Bình luận (0)