Theo bác sĩ Đậu Việt Hùng, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương, hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ có biểu hiện giống nhiều bệnh khác như Kawasaki, sốc nhiễm trùng, thực bào máu... nên dễ chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót khi thăm khám. Do vậy, các bác sĩ cần tìm hiểu thêm thông tin để có thể chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Nhiều trẻ bị hậu Covid-19
Bé Trần Ngọc T. (8 tuổi, trú tại Bắc Giang) sau 1 tuần thở máy, dùng thuốc vận mạch và các thiết bị hỗ trợ, hiện sức khỏe đã dần ổn định và cai máy thở. Bác sĩ Đậu Việt Hùng cho biết bé T. được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng sốc, suy giảm chức năng tim mạch, huyết áp thấp, rối loạn đông máu... và được xác định mắc hội chứng viêm đa hệ thống do Covid-19 (hội chứng MIS-C). Trước khi được chuyển tuyến, bé T. đã điều trị gần 2 tuần ở các bệnh viện tuyến dưới nhưng không xác định rõ bệnh.
Nói về tình trạng của con, mẹ bệnh nhi cho biết cả gia đình không ai mắc Covid-19 nên không nghĩ con đã mắc và khỏi Covid-19. Chỉ khi con sốt cao, mệt nhiều, đau họng, gia đình mới đưa con đi viện tuyến huyện và chuyển lên tuyến tỉnh. Ở bệnh viện tỉnh, con được chẩn đoán viêm amidan, nhiễm trùng huyết nhưng điều trị không tiến triển nên được chuyển viện.
Cũng nhập viện trong tình trạng rất nặng, bé N.P.T (7 tuổi, trú tại Hải Phòng) có các biểu hiện của hội chứng MIS-C rất điển hình như: mắt đỏ, phát ban trên da, sốt cao, rối loạn đông máu... Sau khi nhập viện, bé được chỉ định phải thở máy và lọc máu do chức năng thận suy giảm. Sau 3 ngày điều trị tích cực, chức năng thận của bệnh nhi được cải thiện hơn nhưng vẫn phải thở máy.
Theo bác sĩ Hùng, trường hợp này trẻ nhập viện được cha mẹ thông tin đã từng mắc Covid-19 nên được xác định ngay trẻ mắc hội chứng hậu Covid-19 và áp dụng phác đồ điều trị khá nhanh chóng.
Một bé trai bị hậu Covid-19 được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thăm khám. (Ảnh: PHẠM VĂN HỌC)
Theo dõi trẻ sau khỏi Covid-19
Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương - viêm đa hệ thống hậu Covid-19 thường xảy ra sau khi em bé bị mắc Covid-19 từ 2-6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của trẻ là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, rối loạn đông máu, chỉ số SpO2 giảm, suy đa tạng... Đáng chú ý, nhiều trường hợp bố mẹ không biết trước đó con đã mắc Covid-19 nhưng khi nhập viện trẻ có tình trạng sốt kéo dài, suy giảm chức năng tim mạch hoặc sốc, phát ban trên da.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2022 đến nay, có nhiều trẻ nhập viện vì hội chứng MIS-C, trong đó 4 cháu nặng, sốc, suy đa tạng, phải thở máy và có 2 bệnh nhi phải lọc máu hỗ trợ... diễn tiến bệnh rất phức tạp. Đáng chú ý, trong 1 tuần trở lại đây, ngày nào khoa cũng tiếp nhận các ca mắc hội chứng hậu Covid-19.
"Với các cháu bị hậu Covid-19 chưa có biểu hiện sốc, chưa tổn thương đa cơ quan chỉ điều trị 3-5 ngày có thể ra viện, nhưng các cháu nặng thì phải điều trị dài ngày" - bác sĩ Tuấn nói.
Mới đây, tại hội nghị về chẩn đoán, điều trị bệnh Covid-19 ở trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay tính đến đầu tháng 2, trong tổng số hơn 516.000 ca mắc Covid-19 của TP HCM có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong. Qua phân tích gần 2.500 ca mắc Covid-19 tại TP HCM, cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.
Ghi nhận tại các cơ sở y tế thời gian qua cho thấy số ca mắc Covid-19 đang gia tăng tại nhiều địa phương, nhiều trường hợp trẻ em đã mắc Covid-19, trong số này, nhóm trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 cần được chú ý.
PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hầu hết trẻ mắc Covid-19 có thể tự hồi phục sau 1, 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.
"Khi con có biểu hiện bất thường như li bì, thở nhanh, mệt mỏi cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch... cần được bảo vệ, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa" - PGS Điển nhấn mạnh.
Bình luận (0)