"Việc thực hành tốt thông điệp 5K chính là "lá chắn thép" để bảo vệ chúng ta trước đại dịch Covid-19. Mọi người cần hình thành thói quen đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc..." - PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhấn mạnh.
Phòng bệnh là quan trọng
GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết khác với các dịch truyền nhiễm khác như SARS, khi điều trị khỏi là bệnh nhân khỏi dứt điểm, không có đuôi dịch, MERS-CoV-2 cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trong khi đó, SARS-CoV-2 lại có bản chất đột biến, đa dạng, không ổn định, sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sự biến đổi của virus.
GS Nguyễn Văn Kính cho biết trong số các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam, có khoảng 40% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng và có thể là nguồn lây bệnh trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc giám sát và phòng chống dịch.
Mọi người cần hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, trong bối cảnh xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng như hiện nay, khi chưa xác định chắc chắn được nguồn lây (F0) thì việc giám sát trong cộng đồng, tăng cường xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm nhằm phát hiện những trường hợp dương tính là việc cấp bách.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng phòng bệnh là quan trọng cho chính bản thân gia đình và cộng đồng và khi thực hiện 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) phải triệt để, đồng bộ, toàn diện… Nếu vi phạm 1 nguyên tắc nào đó thì cũng sẽ là nguy hiểm.
Riêng đối với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập, cần thực hiện nghiêm túc Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của Bộ Y tế. Rà soát chặt chẽ quy trình đón tiếp, khám sàng lọc, điều trị và quản lý, theo dõi cách ly triệt để tại chỗ khi có người mắc Covid-19.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho rằng người dân nên theo dõi các nguồn tin chính thống về Covid-19 để có được thông tin chính xác và lời khuyên bổ ích giúp bảo vệ bản thân.
"Trong giai đoạn hiện nay, mỗi người dân cần luôn nhớ rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người khác, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang đúng cách, tránh tụ tập không cần thiết. Trong trường hợp nếu có thành viên trong gia đình bị nhiễm Covid-19, cần ngay lập tức thông báo cho cơ quan y tế tại địa phương để được hỗ trợ. Thực hiện khai báo y tế tự nguyện cho chính mình và cho gia đình. Tự cách ly tại nhà trước khi nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng" - BS Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo.
Tăng cường sức đề kháng
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, chủ động tăng cường sức đề kháng là rất cần thiết để phòng chống dịch Covid-19 cũng như nhiều bệnh dịch khác hiệu quả. Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
TS-BS Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết khi mắc Covid-19, người cao tuổi dễ diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao. Do ở người cao tuổi, quá trình lão hóa khiến hệ miễn dịch (hàng rào phòng chống nhiễm khuẩn của cơ thể) bị suy giảm. Số lượng tế bào hệ miễn dịch giảm làm khả năng chống đỡ với nhiều loại tác nhân gây nhiễm cũng suy giảm, trong đó có virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, người cao tuổi lại thường mắc nhiều bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, ung thư, thoái hóa khớp, béo phì… Các bệnh lý này nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng miễn dịch suy giảm hơn.
BS Ngọc Thể khuyên cần thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch như: uống đủ nước mỗi ngày (cần bảo đảm ăn chín uống sôi, nên uống nước ấm thay vì nước lạnh), ăn các loại thực phẩm giàu đạm (ưu tiên các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các axít amin thiết yếu, các thực phẩm giàu đạm ít chất béo như ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa…), tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm), bổ sung vitamin và khoáng chất.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), cho biết các nguyên liệu gần gũi như trà, tỏi, hành, mật ong, chanh, sả... rất tốt cho người cao tuổi. Nghiên cứu cho thấy những nguyên liệu này giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, có tác dụng ức chế các loại virus như cúm mùa (A và B), Rhinovirus, Herpes…
Bình luận (0)