Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đang triển khai chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu hướng Việt Nam sẽ miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 và đầu năm 2022. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có những chia sẻ về chiến dịch này.
- Phóng viên: Thưa ông, Bộ Y tế đang chủ trì chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Vậy chiến dịch này có sự khác biệt gì?
+ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có những điểm đặc trưng sau: Thứ nhất, triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm tiêm là ở tất cả các xã, phường, thị trấn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Thứ hai, chiến dịch tiêm chủng lần này dựa trên các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác là có thêm các điểm tiêm chủng lưu động như tại khu vực nhà máy, trường học và một số khu vực khác... để đảm bảo người dân được tiếp cận vắc-xin một cách tiện ích nhất và dễ dàng nhất;
Ngoài ra, chiến dịch lần này có sự tham gia tất cả các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin - Truyền thông và nhiều bộ ngành khác phối hợp với Bộ Y tế.
Điểm rất quan trọng ở chiến dịch này đó là sự tham gia triển khai của tất cả các địa phương. Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng giúp cho sự thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này. Ngoài ra, chúng ta cũng áp dụng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19 trong đó có tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Hiện Bộ Y tế đã phát triển sổ sức khỏe điện tử đối với cá nhân. Mỗi người dân khi đi tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên sổ sức khỏe điện tử hoặc qua tin nhắn SMS. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển tin nhắn đến người dân thông tin về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ tiêm.
Khi người dân đến tiêm sẽ tự kiểm tra mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền vào trường thông tin có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khoẻ, người dân được tiêm và điền vào mục "đã tiêm chủng".
Tư vấn cho người được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện Việt Đức - Ảnh: Hà My
Sổ sức khỏe điện tử cá nhân trong tiêm chủng cũng được đồng bộ với vấn đề xét nghiệm, đây sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để tiến đến quản lý hồ sơ thực hiện "hộ chiếu vắc-xin", khi cần có thể áp dụng dễ dàng.
Cuối cùng, cũng qua công nghệ thông tin, người dân sẽ có thể khai báo các triệu chứng, phản ứng sau tiêm để có thể theo dõi chặt chẽ cũng như có cách xử lý kịp thời.
- Vì sao Việt Nam đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số, thưa Bộ trưởng?
+ Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cũng như vậy. Phải tiêm được ít nhất 70% dân số thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong vấn đề mua vắc-xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo người dân tiếp cận được vắc-xin Covid-19.
Vắc-xin Covid-19 bảo quản tại kho lạnh ở TP HCM trước khi tiêm chủng cho người dân - Ảnh: Khôi Nguyên
- Thưa Bộ trưởng, vấn đề an toàn tiêm chủng sẽ được thực hiện như thế nào khi mà cả nước có hàng chục triệu người tiêm vắc-xin Covid-19 trong một thời gian ngắn?
+ Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai tiêm chủng vắc-xin-19 và các loại vắc-xin khác đã sử dụng với trẻ em. Điểm khác biệt của Việt Nam trong tiêm chủng vắc-xin Covid-19 so với các nước đó là chúng ta coi an toàn tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam cũng sàng lọc tất cả các đối tượng trước tiêm, với những trường hợp chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm thì các cơ sở y tế sẽ có tư vấn với người được tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe thì các điểm tiêm sẽ trì hoãn tiêm. Thứ 3, người được tiêm được các cơ sở y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ trong 24 giờ sau tiêm các phản ứng để có thể xử lý kịp thời.
Quan điểm chung của chúng tôi là tiêm đến đâu an toàn đến đó. Bộ Y tế đã thành lập Ban An toàn tiêm chủng gồm các giáo sư, chuyên gia hàng đầu để hỗ trợ các tuyến trên toàn quốc thực hiện an toàn tiêm chủng.
Bình luận (0)