Để đảm bảo đến cuối năm 2021 sẽ có 70% dân số được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với 15.000 điểm tiêm, quân đội thiết lập 8 kho bảo quản, tham gia vận chuyển vắc-xin.
Tiêm vắc-xin cho đối tượng ưu tiên tại tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Bộ Y tế
Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân trong năm 2021. Hiện nước ta đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên, tuy nhiên, thời gian sắp tới khi vắc-xin về nhiều sẽ tiến hành tiêm đại trà cho người dân.
Để người dân nhận thức rõ hơn về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tin tưởng tiêm chủng vắc-xin là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh Covid-19 gây ra để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch Covid-19, Báo Người Lao Động và Bộ Y tế phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19"; thời gian từ 9 đến 11 giờ ngày 17-6 với sự tham gia của các khách mời:
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC (thuộc Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam).
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho các khách mời ở form đặt câu hỏi phía dưới.
Trương Phú
09:13 ngày 17/06/2021
Phân phối cho địa phương các loại vắc-xin khác nhau như thế nào? Cảm ơn.
Theo đối tượng ưu tiên tại Nghị quyết 21 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên phải gắn liền với địa bàn ưu tiên và trong thời gian qua đã tiến hành tiêm cho đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh - là những địa phương đang có dịch.
Mai Lan
09:14 ngày 17/06/2021
Tôi nghe thông tin Bộ Y tế đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, vậy khi nào chiến dịch này sẽ bắt đầu? Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu cuối năm có 70% miễn dịch cộng đồng?
Theo tôi, cần phải căn cứ vào số lượng vắc-xin ngừa Covid-19 để triển khai nhưng càng nhanh càng tốt. Việt Nam đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được thực hiện kết hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.
Hiện Việt Nam có trên 14.000 điểm tiêm chủng bao gồm các điểm tiêm chủng mở rộng tại gần 12.000 xã, phường và khoảng 2000 điểm tiêm chủng dịch vụ. Có thể thiết lập thêm các điểm tiêm chủng khác tại các cơ sở điều trị như thời gian qua đã làm.
Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai tiêm chiến dịch, ví dụ như chiến dịch tiêm Sởi và Rubella cho 23 triệu trẻ em. Như vậy, Việt Nam có thuận lợi trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 trong đợt này.
Nguyễn Bình
09:16 ngày 17/06/2021
Vắc-xin có hạn sử dụng ngắn, làm thế nào để việc tiêm chủng cho cộng đồng kịp tiến độ như mong muốn?
Trước tiên, cần có kế hoạch rất cụ thể với sự phối hợp của ngành y tế với các bộ ngành có liên quan, cùng với đó là sử chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của chính quyền các cấp.
Chúng ta phải thiết lập nhiều điểm tiêm chủng thuận lợi cho nhiều người dân; Tăng cường truyền thông vận động để người dân hiểu lợi ích của việc tiêm vắc-xin để đi tiêm chủng. Bên cạnh đó, phải thực hiện tiêm chủng an toàn, hiệu quả.
Mai Chi
09:17 ngày 17/06/2021
Thời điểm nào người dân được đăng ký tiêm vắc-xin? Cách đăng ký như thế nào? Giá bao nhiêu tiền một liều và hiệu quả phòng bệnh trong bao lâu?
Mong muốn của Việt Nam là phải tiêm được 60-70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Như vậy, những người trong đối tượng tiêm chủng sẽ phải đi tiêm chủng. Trước mắt, do chưa đủ vắc-xin nên ưu tiên đối tượng tuyến đầu, đối tượng nguy cơ cao.
Ngành y tế sẽ có hướng dẫn cách đăng ký tiêm theo các địa điểm tiêm phù hợp với địa bàn và thuận lợi nhất cho người đi tiêm, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin.
Có thể tiêm miễn phí như cho người tuyến đầu, người trong vùng dịch (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người nghèo…). Theo tôi, căn cứ vào kinh phí của Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 có thể mở rộng cho các đối tượng khác. Nếu có thu tiền, tuỳ theo từng loại vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ có mức giá khác nhau. Nhưng theo tinh thần chỉ đạo Chính phủ, không được lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, đẩy giá vắc-xin.
Hiệu quả phòng bệnh tuỳ theo từng loại vắc-xin, có thể dao động từ 60 đến trên 90%. Tuy vậy, các vắc-xin đều cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp nên cũng chưa thật rõ ràng về hiệu quả phòng lây nhiễm của từng loại vắc-xin. Nhưng chắc chắn vắc-xin sẽ làm giảm các triệu chứng nặng và tử vong do Covid-19.
Quỳnh Nga
09:20 ngày 17/06/2021
Bộ Y tế đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với 15.000 điểm tiêm và huy động quân đội để vận chuyển vắc-xin. Vậy những loại vắc-xin Covid-19 nào sẽ được sử dụng trong chiến dịch? 15.000 điểm tiêm là những điểm tiêm chủng mở rộng hay sẽ huy động bệnh viện?
Thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực cố gắng tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vắc-xin phòng Covid-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc-xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ. Vắc-xin Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc-xin khi đưa ra sử dụng.
Để triển khai tiêm chủng trên quy mô lớn với nhiều loại vắc-xin mà Việt Nam tiếp nhận được thì Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này. Tới đây sẽ tổ chức tiêm chủng theo hệ thống tiêm chủng mở rộng đã bao phủ tới quy mô xã / phường.
Nhã Nam
09:20 ngày 17/06/2021
Đến thời điểm này mới có hơn 2% dân số được tiêm vắc-xin Covid-19. Liệu trong năm nay có thể tiêm chủng triển khai toàn dân được không, làm sao để kịp tiến độ như mong muốn, thưa chuyên gia?
Chúng ta cố gắng tiêm nhanh và tiêm nhiều để đạt miễn dịch cộng đồng nhưng còn phục thuộc vào vắc-xin mà chúng ta có (nguồn nhập khẩu hoặc sản xuất).
Theo tôi, có thể từ giờ đến cuối năm chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải duy trì chiến lược: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông điệp 5K + Vắc xin.
Thanh Danh
09:21 ngày 17/06/2021
Gần đây nhiều người tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn dương tính với SARS, thậm chí tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM còn có 52/53 người dương tính từng tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Bà nhận định thế nào về điều này?
Vắc-xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền hiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Tuy nhiên không có vắc-xin nào có hiệu lực 100%, các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%; nghĩa là sau tiêm chủng vắc-xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.
Đối với vắc-xin phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong. Như vậy, vắc-xin phòng Covid-19 nói chung và vắc-xin Astra Zeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và kinh tế phát triển.
Thế Dũng
09:23 ngày 17/06/2021
Virus SARS-CoV-2 biển đổi liên tục với nhiều biến chủng mới, mà biến chủng đang gây lây lan dịch rất nhanh tại Việt Nam là biến chủng từ Ấn Độ. Liệu vắc-xin Covid-19 có “trị” được biến chủng mới?
Vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều là vắc-xin mới, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin phòng Covid-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi biến chủng mới và hiệu quả của vắc-xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy vắc-xin Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh với một số biến chủng của virus SARS-CoV-2.
Thực tế cho thấy các biến chủng của virus không thể ngay lập tức làm vô hiệu hóa hiệu quả của vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả phòng chống bệnh Covid-19.
Mạnh Cường
09:23 ngày 17/06/2021
Nhiều người dân cho rằng tiêm vắc-xin xong là ung dung không lo mắc Covid-19, ông nhận định thế nào?
Phải nói rằng vắc-xin là vũ khí hiệu quả và phòng chống bệnh truyền nhiễm một cách bền vững nhất. Bình thường sản xuất vắc-xin mất từ 4-5 năm, thậm chí 10 năm. Riêng vắc-xin ngừa Covid-19 sản xuất chưa đầy 1 năm và được cấp phép sử dụng theo điều kiện khẩn cấp và các vắc-xin khác nhau có hiệu quả phòng bệnh khác nhau.
Bên cạnh đó, chưa rõ tiêm xong bao lâu có hiệu quả phòng bệnh, chưa rõ việc hiệu quả ngăn cản quá trình lây lan dịch bệnh. Hiện nay, chúng ta mới chắc chắn giảm triệu chứng nặng và giảm tử vong. Do đó, chúng ta không được chủ quan, vẫn phải áp dụng 5K.
Văn Thanh
09:23 ngày 17/06/2021
Người dân rất sốt ruột được tiêm vắc-xin Covid-19. Vậy bao giờ có vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho người dân?
Trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với tất cả các bộ, các ngành đã phối hợp tăng cường đàm phán với tất cả các hãng vắc-xin, các quốc gia có sản xuất vắc-xin, trao đổi với các hãng và những nhà cung ứng để có thể mua vắc-xin, nhập vắc-xin, tiếp nhận viện trợ về vắc-xin phấn đấu đến mục tiêu là có 150 triệu liều vắc-xin theo nghị quyết 21/NQ-CP. Với những nỗ lực như vậy, hy vọng trong thời giam sớm nhất Việt Nam sẽ có đủ vắc-xin để tiêm chủng rộng rãi cho cộng đồng.
Hồng Thơm
09:24 ngày 17/06/2021
Những người đang điều trị bệnh khác khi tiêm thêm vắc-xin này có ảnh hưởng gì không?
Tùy theo bệnh mà có phải chống chỉ định hay không. Nhưng không tiêm cho những người có phản ứng dị ứng quá mẫn, trì hoãn đối với những người đang mắc và đang điều trị bệnh cấp tính.
Tốt nhất, bạn hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn về tiêm chủng.
Như Quỳnh
09:24 ngày 17/06/2021
Nếu tiêm vắc xin Covid-19 mà vẫn bị dương tính thì tại sao chúng ta lại phải tiêm vắc-xin? Việc tạo miễn dịch cộng đồng được diễn ra thế nào thưa ông? Có phải cứ tiêm thật nhiều là đạt miễn dịch cộng đồng?
Không phải tất cả mọi người đã tiêm vắc-xin xong rồi vẫn mắc Covid-19. Điều chắc chắn rằng, việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đã làm giảm triệu chứng và giảm tử vong của những người khi mắc Covid-19.
Trên thực tế, khi tiêm khoảng 70 % dân số là tạo được miễn dịch cộng đồng. Khi tạo miễn dịch cộng đồng, lúc đó chúng ta có thể không phải giãn cách xã hội.
Như Ngọc
09:24 ngày 17/06/2021
Xin PGS-TS cho biết đối tượng là du học sinh hay người có nhu cầu xuất cảnh thì lúc nào mới được tiêm vắc-xin, và đăng ký lịch hẹn ở đâu?
Chúng ta đang tiến tới tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho toàn dân để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy vậy, hiện nay do chưa đủ vắc-xin nên đang ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao, người vùng dịch.
Mỹ Châu
09:26 ngày 17/06/2021
Con gái tôi nếu đã tiêm vắc-xin ở Việt Nam vậy đi du học nước ngoài có được công nhận là đã tiêm vắc-xin và coi như là có “hộ chiếu vắc-xin” không, thưa chuyên gia?
Theo tôi hiểu, do chính sách của nước mà bạn sẽ đến, nước đó có công nhận vắc-xin đã tiêm và tiêm tại Việt Nam hay không. Hiện nay, mới có các nước khối Liên minh châu Âu (EU) công nhận lẫn nhau hoặc một vài nước công nhận việc tiêm vắc-xin tuỳ theo từng loại vắc-xin.
Thanh Tùng
09:30 ngày 17/06/2021
Thưa chuyên gia, hiệu quả của vắc xin Covid-19 hiện đang tiêm với biến thể mới của chủng SARS-CoV-2 của Ấn Độ đang lây lan ở nước ta?
Hiện chưa có báo cáo nghiên cứu nào cho thấy vắc-xin hiện tại không còn tác dụng với biến thể delta đến từ Ấn Độ. Tuy vậy vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.
Lan Anh
09:31 ngày 17/06/2021
Người dân có nhu cầu muốn đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ thì đăng ký ở đâu, chi phí ra sao?
Hiện nay chưa tổ chức tiêm dịch vụ do chưa có đủ vắc-xin ngừa Covid-19. Việt Nam đang tiến tới tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho toàn dân. Khi có đủ lượng vắc-xin, ngành y tế sẽ có hướng dẫn cách đăng ký tiêm theo các địa điểm tiêm phù hợp với địa bàn và thuận lợi nhất cho người đi tiêm, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin.
Trần Anh
09:32 ngày 17/06/2021
Vắc-xin do Việt Nam sản xuất có tiêm cho đối tượng dưới 18 tuổi không thưa chuyên gia? Vì sao vắc-xin Covid-19 lại hạn chế tiêm cho nhóm đối tượng này?
Do chúng ta chưa thử nghiệm lâm sàng ở lứa tuổi dưới 18 tuổi, nên không tiêm chủng cho đối tượng này.
Tại sao lại như vậy, vì đối với Covid-19, cũng như các nước trên thế giới, cần ưu tiên cho các đối tượng tiêm trên 18 tuổi trước. Theo tôi, khi đã thành công ở các đối tượng này, sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng cho các đối tượng dưới 18 tuổi và sẽ tiêm chủng cho các đối tượng này khi cần thiết.
Võ thị ngọc hà
09:33 ngày 17/06/2021
Tôi là đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin miễn phí (vắc-xin Astra Zeneca). Tuy nhiên qua khám sàng lọc bác sĩ tư vấn hoãn tiêm do dị ứng thuốc paracetamol. Trường hợp tôi có được tiêm loại vắc-xin khác được không?
Tất cả các vắc-xin đều có khả năng bị phản ứng phụ và nặng nề nhất là phản vệ. Do đó, nếu đã được khuyên tạm hoãn với vắc-xin này thì có thể cũng bị tạm hoãn với văc-xin khác. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm hoãn còn nếu có tiền sử dị ứng paracetamol đơn thuần thì không chống chỉ định tuyệt đối mà nên được chích tại các bệnh viện. Ngoài ra, nhìn chung tất cả các đối tượng có tiền sử dị ứng đều vẫn có thể chích vắc-xin nhưng cần được chích tại các cơ sở y tế có khả năng chăm sóc đặc biệt nếu gặp trường hợp phản ứng nặng xảy ra.
Toả Sáng
09:36 ngày 17/06/2021
Cho hỏi, người dân được quyền chọn loại vắc-xin (của Mỹ chẳng hạn) khi tiêm hay không? Cảm ơn.
Hiện nay, với sự cho phép của chính phủ, có một số loại vắc xin Covid-19 sẽ có mặt tại VN như Pfizer, Moderna (Mỹ), Astra Zeneca (Anh), Sputnik V (Nga), Nonavax (Việt Nam), Sinovax (Trung Quốc). Hiện tại, VN đang lưu hành vắc xin của Astra Zeneca. Nếu chúng ta chờ đợi các loại vắc xin khác thì sẽ chậm trễ trong vấn đề phòng ngừa dịch Covid-19. Nếu bạn có đủ điều kiện quy định thì nên tiêm hiện có, không nên chờ đợi vắc xin mong muốn vì sẽ chậm trễ trong phòng bệnh Covid-19.
Nguyễn Thanh Vinh
09:36 ngày 17/06/2021
Cho tôi hỏi người có bệnh hen suyễn thì có tiêm vắc-xin Covid-19 được không? Xin cảm ơn.
Bệnh hen suyễn không chống chỉ định việc chích ngừa vắc-xin Covid-19. Do đó, bạn nên đến các cơ sở chích ngừa để khai báo trung thực, đồng thời được tư vấn thêm.
NGUYỄN BẢO THIỆN
09:36 ngày 17/06/2021
@TS.BS Lê Quốc Hùng : Xin chào bác sĩ, người bị nhiễm Covid đã được điều trị khỏi bệnh thì có khả năng bị lại lần 2, 3, ...n không ? Sau khi được điều trị khỏi bệnh thì người đó có kháng thể chống lại Covid như người đã được tiêm vacxin không ? Cám ơn bác sĩ.
Đầu tiên, người từng bị Covid-19 cơ thể người đó sẽ tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, sẽ có 2 vấn đề xảy ra, thứ nhất tuy theo cơ địa mỗi người thì lượng kháng thể tạo ra sau khi bị bệnh sẽ khác nhau. Một số người lượng kháng thể này được tạo ra không đủ bảo vệ. Do đó, vẫn có thể mắc bệnh lần thứ 2, thứ 3...
Thứ hai, do loại virus này có sự biến chủng rất nhiều. Do đó, nếu là chủng mới xuất hiện mà kháng thể được tạo ra của người mắc bệnh không thể bảo vệ được thì vẫn có thể mắc bệnh lại.
Võ thị Hạnh
09:37 ngày 17/06/2021
Đối với bệnh nhân bị K giáp đã phẫu thuật và đang điều trị Iot_ 131 thì có được tiêm vắc-xin Covid-19 hay không? Thời gian bao lâu nữa người dân TP HCM mới tiếp cận được vắc-xin Covid-19? Em xin cảm ơn!
Về vấn đề người đang điều trị K giáp và điều trị Iot 131 thì thuộc đối tượng tạm hoãn để tiêm vắc-xin Covid-19.
Theo như các thông tin của Chính phủ, Bộ Y tế TP HCM là một trong những địa điểm được ưu tiên cung cấp văc-xin sớm nhất. Do vậy, khả năng người dân TP được tiếp cận vắc-xin có thể trong tháng 7-2021.
HUỲNH anh tài
09:37 ngày 17/06/2021
Tôi đang bị huyết áp cao 170/10, nếu tiêm phòng vắc-xin có được không, thưa bác sỹ, xin cảm ơn bác sỹ.
Bệnh lý cao huyết áp không phải là đối tượng chống chỉ định để chích văc-xin Covid-19. Nhưng do huyết áp 170/10 của bạn hiện đã vượt khá cao, cần được chỉ định điều trị trước khi tiêm.
Đào Kim Mạnh
09:37 ngày 17/06/2021
Trước khi tiêm vắc-xin có cần test virus trước không?
Về nguyên tắc, trước khi tiêm văc-xin không cần test virus. Tuy nhiên, tùy theo từng địa phương đang có dịch lưu hành mạnh hay không thì vấn đề test nhanh Covid-19 vẫn có thể đặt ra.
Ngô Hổng Tâm
09:44 ngày 17/06/2021
Tôi muốn tiêm vắc-xin, tuy nhiên trước khi tiêm phải test sức khỏe có tốt không, có bị nhiễm Covid-19 hay không mới được tiêm đúng không? Và đăng ký tiêm ở đâu ạ?
Khi bạn đến để tiêm chủng vắc xin Covid-19, bạn sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn và sàng lọc theo đúng quy định của Bộ Y tế. Nếu bạn đủ điều kiện thì bạn sẽ được tiêm ngay, hoặc hoãn tiêm hoặc tiêm tại bệnh viện. Hiện nay, việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo lộ trình của Chính phủ, Bộ Y tế và sẽ triển khai trên hệ thống tiêm chủng của Nhà nước và tư nhân đủ năng lực tổ chức tiêm chủng an toàn trong thời gian gần nhất.
Đặng Đình Bình
09:44 ngày 17/06/2021
Tôi sinh năm 1955, là Tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng Tổ dân phố tại Cầu Giấy, Hà Nội. Các thành viên dưới 65 tuổi đã được y tế phường gọi đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhưng những người trên 65 tuổi thì không được tiêm, trong khi Bộ Y tế khuyến cáo người cao tuổi nên tiêm. Liệu tôi muốn tiêm thì nên tiêm loại vắc-xin Covid-19 nào và bao giờ thì có thể đăng ký tiêm? Trân trọng cảm ơn.
Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế chưa có chỉ định tiêm vắc-xin Astra Zeneca cho người trên 65 tuổi và ở thời điểm hiện tại Việt Nam cũng chỉ mới có 1 loại vắc-xin phòng Covid-19 Astra Zeneca.
Khi có thêm các loại vắc-xin phòng Covid-19 và có thêm các dữ liệu an toàn và hiệu quả của vắc-xin cho các đối tượng trì hoãn sẽ được xem xét để tiêm chủng vắc xin.
Thanh Hà
09:44 ngày 17/06/2021
Ngành y tế và chương trình tiêm chủng có đảm bảo đủ về nhân lực cho chiến dịch lớn nhất này không? Vắc-xin có hạn sử dụng ngắn liệu có lo ngại không kịp tiêm cho người dân hay không? Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có tính đến các điểm tiêm di động hay không?
Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn như vậy thì Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...
Với cách thức triển khai như vậy và có sự phối hợp chặt chẽ, tổng thể tất cả các nguồn lực, chúng ta sẽ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng lần này vưới mục tiêu tăng độ bao phủ và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
NGUYỄN BẢO THIỆN
09:44 ngày 17/06/2021
Kính gửi TS-BS Lê Quốc Hùng : Sau đó cơ quan y tế địa phương tiến hành phun khử khuẩn căn hộ và tầng của căn hộ đó, không phong tỏa các căn hộ gần đó cũng như không phong tỏa chung cư. Họ giải thích lý do là nhân viên này đã được tiêm ngừa nên mức độ lây lan thấp nên không phong tỏa. Tôi thắc mắc là các nhân viên của Nhiệt đới đã được tiêm ngừa lại lây lan nhanh cho nhau trong bệnh viện thì tại sao trường hợp này cơ quan y tế nói là lây lan thấp nên không phong tỏa, lấy mẫu người dân ở chung cư ? Như vậy có hợp lý không thưa bác sĩ ? Xin cảm ơn.
Người này đã tự cách ly tại nhà cả giá đình thì tự tiếp xúc giao lưu đã được giới hạn mức độ tối thiểu. Bên cạnh đó, người được sau khi được chích ngừa đầy đủ và đủ thời gian vẫn có thể mắc bệnh nhưng tải lượng virus ở những trường hợp này rất thấp. Với 2 yếu tố này cộng lại cho thấy khả năng lây lan ra môi trường xung quanh là rất hạn chế. Chính vì vậy, thay vì phải phong tỏa cả khu vực lớn dẫn đến hạn chế lớn cho cộng đồng dân xung quanh thì HCDC áp dụng biện pháp cách ly tại chỗ gia đình, đồng thời xét nghiệm để truy vết. Với biện pháp này người ta có thể đạt được cả mục đích hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân xung quanh mà vẫn kiểm soát được tình trạng lây lan.
Nguyễn Trung
09:45 ngày 17/06/2021
Tôi 45 tuổi bị viêm gan B, mỡ máu, tiền tiểu đưởng, còn bố mẹ tôi gần 70 tuổi lại bị tiểu đường và tăng huyết áp? Đây có phải là những đối tương chống chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19 hay không?
Người có bệnh lý mạn tính như bạn kể không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế những người trên 65 tuổi sẽ trì hoãn tiêm chủng. Còn những người có bệnh lý mạn tính chưa được điều trị ổn định phải được khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện. Chúng tôi khuyến cáo người dân khi đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cần chủ động thông tin về tiền sử bệnh tật của mình cho cán bộ y tế để được khám và tư vấn đầy đủ, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Mỹ Nhân
09:45 ngày 17/06/2021
Tôi sinh con được 5 tháng nhưng vẫn đang cho con bú, vậy tôi có thể được tiêm vắc-xin Covid-19 hay không?
Hiện nay không có đủ dữ liệu về ảnh hưởng của vắc-xin với phụ nữ cho con bú, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh Covid-19. Và không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc-xin.
Tuy nhiên hiện tại theo qui định của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai và cho con bú là đối tượng tạm trì hoãn tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Trần Minh
09:45 ngày 17/06/2021
Những phản ứng thông thường và những phản ứng hiếm gặp sau khi tiêm vắc-xin? Biện pháp cần thiết phải được thực hiện sớm nhất tại nhà là gì?
Mỗi loại vắc-xin ngừa Covdi-19 có tác dụng không mong muốn khác nhau. Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 AstraZeneca, do vậy tôi sẽ trả lời sâu về tác dụng phụ của loại văc-xin này. Tác dụng không mong muốn thường gặp là đau tại chỗ tiêm, đau nhức mỏi cơ, sốt, buồn nôn, nôn ói, đau đầu, ngứa và đau tại chỗ tiêm. Tác dụng phụ hiếm gặp là phản vệ và đông máu sau tiêm.
Mặc dù, tác dụng phụ thường gặp chiếm tỷ lệ khá cao, tuy nhiên, chúng ta không cần xử trí đặc biệt trước và sau tiêm. Nếu sau tiêm có sốt cao hoặc đau nhức cơ nhiều ban có thể sử dụng paracetamol để điều trị. Không có cách xử trí đặc hiệu nào để phòng ngừa tác dụng phụ hiếm gặp như phản vệ hay đông máu. Điều người được chích cần chú ý là phải khai báo y tế đầy đủ và trung thực trước khi tiêm để cán bộ y tế có thể phân loại và tư vấn một cách hữu hiệu nhất.
Huy Tưởng
09:45 ngày 17/06/2021
Không ít người muốn mua vắc-xin Covid-19 để tiêm, liệu Bộ Y tế cho tính toán cho tiêm vắc-xin dịch vụ đối với vắc-xin Covid-19?
Trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với tất cả các bộ, các ngành đã phối hợp tăng cường đàm phán với tất cả các hãng vắc-xin, các quốc gia có sản xuất vắc-xin, trao đổi với các hãng và những nhà cung ứng để có thể mua vắc-xin, nhập vắc-xin, tiếp nhận viện trợ về vắc-xin phấn đấu đến mục tiêu là có 150 triệu liều vắc-xin theo nghị quyết 21/NQ-CP.
Việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bao phủ được nhiều đối tượng và đạt tỷ lệ cao thì càng hiệu quả, đảm bảo việc tiếp cận công bằng cho người dân, bên cạnh nguồn vắc-xin được các tổ chức Quốc tế hỗ trợ, nguồn mua từ ngân sách nhà nước thì trong Nghị quyết Chính phủ (số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021) cũng đã nêu rõ khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiêm chủng tự nguyện và tự chi trả.
Hoàng Anh
09:45 ngày 17/06/2021
Xin bà cho biết về tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19? Tiến độ như vừa qua có chậm không? Khi nào chúng ta đảm bảo tiêm bao phủ 70% để có miễn dịch cộng đồng?
Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng và sử dụng an toàn , hiệu quả và kịp thời số vắc-xin đã được cung ứng. Với vắc-xin được phân bổ đợt 3 thì các tỉnh cũng đang thực hiện tiêm chủng theo kế hoạch và đã tiêm chủng được khoảng 30% số vắc xin được nhận. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì tất cả các địa phương cần hoàn thành tiêm chủng đợt 3 sớm ngay trong tháng 6-2021.
Việc bao phủ 70% dân số của cả nước thì phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vắc-xin và năng lực của hệ thống tiêm chủng. Trong trường hợp nguồn cung vắc-xin dồi dào đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam thì Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng với quy mô quốc gia. Như vậy thì thời gian đạt được mục tiêu sẽ rút ngắn xuống so với chỉ triển khai trong hệ thống TCMR.
Nguyễn Ván Châu
09:46 ngày 17/06/2021
Tôi đi xét nghiệm tổng quát vừa rồi thì cholesterol khá cao, lại bị gan nhiễm mỡ... Nếu tôi tiêm vắc-xin có nguy cơ bị phản ứng nặng không?
Rối loạn chuyển hóa mỡ máu nói chung và tăng cholesterol nói riêng không phải là những đối tượng chống chỉ định chích văc-xin Covid-19. Do vậy, phản ứng phụ không mong muốn sau tiêm của bạn không khác biệt hơn người bình thường sau khi chích vắc-xin Covid-19.
Thanh Thủy
09:46 ngày 17/06/2021
Tôi đã tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 được 2 tuần, vậy bao lâu nữa tôi sẽ được tiêm mũi 2. Thời gian tối đa để tiêm mũi 2 là cách mũi 1 bao lâu?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện nay áp dụng lịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Aztra Zeneca mũi 2 cách mũi 1 từ 8-12 tuần.
Nguyễn Học
09:46 ngày 17/06/2021
Được biết vắc-xin Covid-19 Pfizer có điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo (âm 60-70 độ C). Vậy làm thế nào để đưa vắc-xin đến các tỉnh tiêm chủng mà không lo vắc-xin không được bảo quản đúng tiêu chuẩn?
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer có thể bảo quản ở các dải nhiệt độ khác nhau như âm 60-đến âm 90 độ C, âm 15-25 độ C, từ 2 đến 8 độ C với thời gian sử dụng khác nhau tùy theo nhiệt độ bảo quản.
Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng mở rộng đã có kế hoạch cụ thể bổ sung tủ lạnh chuyên dụng đảm bảo hệ thống dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin này đảm bảo chất lượng. Đồng thời chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ có hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc-xin Pfizer cho các địa phương để đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả nhất.
Trần Văn Thanh
09:51 ngày 17/06/2021
Một số người quen của tôi thường bị đau tay, đau hay sưng chỗ tiêm, tôi nên làm sao để hạn chế phản ứng phụ này hoặc làm gì cho bớt đau?
Không có biện pháp để ngăn ngừa phản ứng phụ này. Nếu bị sưng và đau nhiều chúng ta có thể sử dụng paracetamol viên uống để giảm đau. Tuy nhiên, bạn phải luôn chú ý theo dõi tình trạng sưng viêm tại chỗ tiêm. Nếu tình trạng ngày càng sưng đỏ, nóng đau kéo dài hơn 2-3 ngày sau tiêm thì nên đi khám lại để phát hiện các biến chứng nhiễm trùng, áp xe tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, bạn yên tâm vì áp xe sau tiêm là phản ứng phụ cực kỳ hiếm gặp.
Hữu Khá
09:51 ngày 17/06/2021
Việc tận dung y tế xã phường đẩy nhanh thông tin tiêm vaccine được quan tâm thế nào? Huy động lực lượng ra sao?
Hiện nay chúng ta có trên 12 ngàn điểm tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã phường. Đây là những điểm tiêm chủng đã được cấp phép để triển khai tiêm chủng hàng tháng cho trẻ em. Tôi cho rằng, chắc chắn phải sử dụng hệ thống này vào trong việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 thì mới đạt được việc tiêm tỉ lệ cao, an toàn và thuận lợi cho người dân.
Thuỳ Anh
09:51 ngày 17/06/2021
Lần 1 tôi tiêm vắc-xin Astra Zeneca thì lần hai tôi tiêm vắc-xin khác được không hay chỉ được tiêm 1 loại vắc-xin phòng Covid-19. Xin cảm ơn ông?
Về nguyên tắc, bạn tiêm mũi một vắc-xin nào thì khi tiêm mũi 2 là vắc-xin đó. Còn nếu khi bạn đã tiêm các vắc-xin khác, thì bạn vẫn phải tiêm đủ liều. (Ví dụ như sau khi tiêm vắc-xin Astra Zeneca, bạn chuyển sang tiêm vắc-xin Pfizer, thì bạn vẫn phải tiêm vắc-xin Pfizer đủ 2 liều).
Nguyễn Quyên
09:51 ngày 17/06/2021
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có tính đến các điểm tiêm di động hay không?
Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ có Hướng dẫn cụ thể về việc lập kế hoạch tổ chức triển khai, hình thức triển khai tiêm chủng tới các địa phương để đảm bảo sử dụng vắc-xin kịp thời, an toàn, hiệu quả nhất.
Việc tổ chức điểm tiêm lưu động đã được triển khai tại các khu công nghiệp của một số địa phương đã giúp đưa ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn để triển khai trong thời gian tới ở các cơ quan, công ty, nhà máy… đảm bảo an toàn tiêm chủng và đẩy nhanh tiến độ.
Trần Minh
09:52 ngày 17/06/2021
Có thông tin Việt Nam sẽ nhập vắc-xin Moderna nhưng trên website của tập đoàn này lại không có thông tin về việc này?
Hiện nay, Việt Nam chưa làm thủ tục cho việc nhập khẩu vắc-xin Moderna. Tuy vậy, trong thời gian tới, chúng ta có thể tiến hành các bước để nhập khẩu loại vắc-xin này để tiêm cho người dân.
Thanh Huyền
09:52 ngày 17/06/2021
Kính gửi anh/chị Tôi năm nay 39 tuổi, dự tính có em bé bằng TTON vào tháng 7-2021. Vậy Tôi có nên tiêm vắc-xin khi mang thai vào cuối năm hay có thể đăng ký tiêm trước khi mang thai bao lâu, ở đâu chi phí như thế nào ạ? Xin cảm ơn anh/chị đã tư vấn. Chúc buổi tư vấn thành công tốt đẹp.
Hiện nay không có chống chỉ định với các phụ nữ mang thai. Tuy vậy, bạn đang tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm, thì có thể bạn đang sử dụng nhiều các loại thuốc các nhau, và có thể có những vẫn đề về sức khoẻ mà không thể tiêm chủng được.
Theo tôi, bạn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn về tiêm chủng. Nhưng quan trọng nhất là bạn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh, để giữ gìn sức khoẻ không mắc Covid-19, để cho quá trình thụ tinh ống nghiệm được thành công.
Ngọc Diệp
09:52 ngày 17/06/2021
Thời gian qua có tình trạng người dân sử dụng khẩu trang y tế rất nhiều trong khi khuyến cáo của ngành y tế là người dân nên đeo khẩu trang vải. Thưa ông Phu, trong bối dịch bệnh hiện nay là chủng virus rất dễ lây lan, ông có khuyến cáo gì về việc sử dụng khẩu trang đúng cách và thải bỏ để không làm lây lan mầm bệnh? Với những khẩu trang 1 lớp, có đảm bảo được việc phòng bệnh hay không?
Bộ Y tế vẫn khuyến cáo khẩu trang y tế dùng cho cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân trong cơ sở y tế và những người dân khi đi đến cơ sở y tế.
Còn khẩu trang vải thì dùng cho người dân khi đi ra khỏi nhà, trên khuyến cáo đó đảm bảo có đủ khẩu trang y tế cho các cán bộ y tế làm việc cũng như người dân đến các cơ sở y tế trong các điều kiện nguy cơ cao.
Đeo khẩu trang vải chúng ta có thể sử dụng lại nhiều lần, vừa tiết kiệm, vừa không gây các tác hại về môi trường.
Hoàng Trung
09:52 ngày 17/06/2021
Hiện nay có nhiều người dân thắc mắc về việc nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, thì mỗi lần lấy mẫu nhân viên y tế sẽ sử dụng 1 chiếc găng tay cho 1 người? Nếu việc sử dụng găng tay chung trong việc lấy mẫu cho nhiều người có đúng không và nguy cơ lây bệnh có thể xảy ra không?
Trong xét nghiệm Covid-19, nguyên tắc lấy cho mỗi người thì phải dùng 1 đôi găng tay nhưng trong những trường hợp lấy đông thì có thể tiếp tục sử dụng lại găng tay đó nhưng phải sát khuẩn sau mỗi lần lấy mẫu, không được dùng quá nhiều lần.
Chiến Thắng
09:52 ngày 17/06/2021
TP HCM được các ổ dịch mới không rõ nguồn lây nhiễm. Ông nhận định thế nào về tình hình dịch ở TP đông như TP HCM? Việc dập dịch ở đây có những khác biệt thế nào như với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua? Khó khăn nhất là gì?
Mỗi nơi một khác, có tính phức tạp riêng, nhưng đều khó kiểm soát. Đồng thời, đều do chủng mới delta từ Ấn độ lây lan nhanh. Nhưng dịch ở TP HCM, dịch rải rác ở nhiều ổ dịch, nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau.
Còn tại Bắc Giang, Bắc Ninh là lây trong khu công nghiệp số mắc lớn, sự đan xen công nhân giữa các nhà máy, xí nghiệp với nhau và giữa công nhân nhà máy với cộng đồng. Đặc biệt, điều kiện sinh hoạt tại khu trọ, nơi ở của các công nhân tại 2 địa phương này rất khó khăn, càng tạo điều kiện cho việc lây nhiễm. Bên cạnh đó, áp lực công nhân phải nhanh được trở lại sản xuất, vì không sản xuất thì sẽ tổn hại rất lớn đến kinh tế.
Đáng chú ý, có những nhà máy, xí nghiệp nếu không tiếp tục lao động, sản xuất thì sẽ bị đứt chuỗi dây chuyền sản xuất, cung ứng trang thiết bị có tính chất liên quốc gia.
Lê Thanh Tùng
09:58 ngày 17/06/2021
Bạn tôi là du học sinh người Lào, có được tiêm vắc-xin miễn phí như người Việt Nam hay không? Phải làm những thủ tục gì để đăng ký tiêm?
Theo tôi, tất cả những người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đều cần thiết tiêm vắc-xin phòng bệnh vì Covid-19 không trừ một ai và bạn cũng là một cá nhân góp phần tạo nên miễn dịch cộng đồng. Tuy vậy Việt Nam vẫn đang tổ chức cho đối tượng tuyến đầu theo quy định. Nếu bạn trong 11 đối tượng ưu tiên (chẳng hạn công nhân, chuyên gia các khu công nghiệp vùng đang có dịch, nhà ngoại giao...) thì sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 sớm.
Thanh Trà
09:58 ngày 17/06/2021
Làm sao để doanh nghiệp có thể tự mua vắc-xin, nhập về Việt Nam khi đã tìm được nguồn?
Hiện nay, việc Chính phủ đã cho phép xã hội, không chỉ xã hội hoá về tài chính, mà xã hội hoá cả về nguồn cung. Các doanh nghiệp có thể tìm nguồn cung, nhập khẩu vắc-xin. Tuy vậy, vẫn phải theo những quy định của Bộ Y tế, qua các đơn vị được phép nhập khẩu, bảo quản vắc-xin. Hiện, Bộ Y tế có 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vắc-xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc-xin.
Văn Hồ Điệp
09:58 ngày 17/06/2021
Nếu bị hở van tim thì có nên tiêm vắc-xin không?
Nếu bị hở van tim thì vẫn nên tiêm văc-xin Covid-19.
Nguyễn Thanh Tùng
09:58 ngày 17/06/2021
Các đơn vị tiêm chủng tư nhân có tiêm vắc-xin dịch không?
Theo tôi, các điểm tiêm chủng dịch vụ có thể tham gia vào việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, bởi đây là các điểm đã được Bô Y tế cho phép, cũng như có kỹ năng về công tác tiêm chủng trong thời gian qua. Tiến tới khi có nhiều vắc-xin, các cơ sở tiêm chủng tư nhân sẽ tham gia vào quá trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.
Lý thị Thanh Tâm
09:58 ngày 17/06/2021
Tôi 63 tuổi (có bệnh K vú giai đoạn 1 từ năm 2001 và năm 2013 đã điều trị ổn ). Chồng tôi 67 tuổi có bệnh tiểu đường (khám định kỳ kiểm tra 3 tháng/lần ) chỉ số đường huyết ổn. Xin hỏi chúng tôi có thể được chích ngừa Covid-19 trong đợt tới của Bộ Y tế tổ chức?
Tất cả những đối tượng bị bệnh nền như ung thư, đái tháo đường đang được điều trị ổn thì vẫn có thể tiêm văc-xin Covid-19.
Thanh Bạch
09:58 ngày 17/06/2021
Sau tiêm tiêm vắc-xin tôi bi sốt và mệt mỏi, nổi mẩn, dị ứng suốt một tuần. Vậy tôi có nên tiếp tục tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 hay không?
Trường hợp sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 mà có phản ứng nặng từ phản vệ độ 2 trở lên thì sẽ chống chỉ định tiêm vắc-xin mũi 2. Trường hợp của bạn không mô tả rõ mức độ phản ứng dị ứng mà bạn gặp phải như ngoài nổi mẩn còn dấu hiệu khác kèm theo không, có phải điều trị gì không nên khi đi tiêm chủng vắc-xin liều 2, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin để bác sĩ khám sàng lọc sẽ có chỉ định đúng cho bạn.
nguyễn Thành Phong
09:58 ngày 17/06/2021
Chào TS-BS Lê Quốc Hùng. Tôi là nhân viên lái xe cho tập đoàn dầu khí ở TP HCM. Sếp là người nước ngoài. Vậy thưa BS tôi có thuộc diện ưu tiên được tiêm vắc-xin không ạ? Tôi 58 tuổi. Cảm ơn BS
Tập đoàn dầu khí không phải là đơn vị tham gia trực tiếp chống dịch, do vậy, đây cũng là đơn vị không thuộc đối tượng ưu tiên. Về việc sếp là người nước ngoài cũng không phải là yếu tố để ưu tiên. Bên cạnh đó, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam lâu ngày cũng như những người dân bình thường khác tại VN. Do đó, bạn không thuộc đối tượng ưu tiên được chích ngừa Covid-19
Văn Long
09:58 ngày 17/06/2021
Tiêm vắc-xin xong có được miễn dịch suốt đời không? Hay bao nhiêu lâu phải tiêm lại?
Vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều là vắc xin mới, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin phòng Covid-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá.
Chưa có khuyến cáo tiêm nhắc lại đối với vắc-xin phòng Covid-19 sau khi đã tiêm đủ 2 liều.
Nguyễn Thị Thu
09:59 ngày 17/06/2021
Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm nay, có uống thuốc. Nếu tôi tiêm vắc-xin AstraZeneca liệu có an toàn hay không?
Bệnh tiểu đường điều trị ổn định thì vẫn có thể tiêm vắc-xin Covid-19 như người bình thường
Hoàng Định
09:59 ngày 17/06/2021
Thưa PGS Dương Thị Hồng, hiện nay Việt Nam mới chỉ tiêm văc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca, sắp tới Bộ Y tế sẽ nhập nhiều loại vắc xin của các nước khác, vậy cho hỏi sẽ phân bổ để tiêm chủng như thế nào, người dân có được chọn loại vắc xin để tiêm không?
Hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phòng Covid-19 của các nhà sản xuất khác nhau. Khi đã có đủ nguồn vắc-xin phòng Covid-19 và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể lựa chọn loại vắc-xin phòng Covid-19.
Vắc-xin Covid 19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc-xin khi đưa ra sử dụng. Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là quan trong để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và công đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc-xin mà phải chờ đợi mà bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm.
Mai Lan
10:00 ngày 17/06/2021
Sau hơn 3 tháng triển khai tiêm vắc-xin vậy các phản ứng sau tiêm vắc-xin thường gặp là gì? Tỉ lệ phản ứng thông thường và phản ứng nặng là bao nhiêu, có cao hơn khuyến cáo của nhà sản xuất và các nước đang triển khai tiêm vắc-xin này hay không?
Vắc-xin phòng Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời.
Cho đến nay với hơn 1,5 triệu liều vắc-xin sử dụng Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường từ khoảng 14-20% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc-xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Nguyễn Nhữ
10:00 ngày 17/06/2021
Người mắc bệnh nền khi tiêm vắc-xin Covid-19 thì có phản ứng nghiêm trọng không?
Nhóm người mắc bệnh kèm theo, bệnh mãn tính là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao và mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, khi bệnh đã ổn định. Trước khi tiêm cần được khám sàng lọc cẩn thận, những đối tượng này nên được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện.
Thái Sơn
10:02 ngày 17/06/2021
Người thuộc nhóm ưu tiên nếu có đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư có nên tiêm vắc-xin Covid-19 không?
Nhóm người mắc bệnh mãn tính đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao và mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc-xin, tuy nhiên chỉ có chỉ định tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.
Hoàng Long
10:02 ngày 17/06/2021
Hiện tại đã có những nghiên cứu mới nhất về thời gian bảo vệ của vắc-xin chưa chuyên gia?
Vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều là vắc xin mới, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin phòng Covid-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc-xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá.
Như Mai
10:02 ngày 17/06/2021
Con tôi 16 tuổi, khi nào nước ta sẽ triển khai tiêm vắc-xin cho nhóm đối tượng này?
Hầu hết các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay có chỉ định cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tuy nhiên một số loại vắc-xin như Pfizer,.. cũng đã có những nghiên cứu và khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Việt Nam hiện nay chưa có vắc-xin này để tiêm cho đối tượng trẻ em 16 tuổi.
Trang
10:02 ngày 17/06/2021
Thưa bác sĩ Bạch Thị Chính, tôi muốn đặt mua vắc-xin Covid-19 cho các nhân viên công nhân ở công ty tôi thì cách đăng ký như thế nào ạ? Tôi nghe nói TP HCM đang được cho phép tự mua vắc-xin
Hiện nay Nhà nước đã cấp phép cho 36 công ty được nhập khẩu vắc xin Covid-19 và việc nhập vắc xin cho từng địa phương đang được đẩy nhanh tiến độ. Bạn nên theo dõi, cập nhật thông tin về vấn đề tiêm vắc xin Covid-19 tại địa phương qua chính quyền, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương.
Về việc tiếp nhận đăng ký vắc xin Covid-19, VNVC đang theo lộ trình của Chính phủ và Bộ Y tế, khi được cho phép sẽ triển khai rộng rãi. Trong thời gian tới, bạn có thể liên lạc đường dây nóng của VNVC (02873006595) sẽ được cập nhật thông tin mới nhất.
Nguyễn Hải
10:03 ngày 17/06/2021
Vắc-xin Sinopharm sử dụng virus sống giảm độc lực, có thông tin cho rằng trên những cơ thể có hệ miễn dịch yếu ko nên tiêm vì virus có thể bùng phát và nhân lên trong cơ thể, xin chuyên gia giải thích rõ hơn
Mặc dù là vắc-xin sử dụng virus sống giảm động lực, nhưng cũng là vắc-xin an toàn, được cấp phép cho lưu hành tại Việt Nam. Việc chống chỉ định đối với những người có phản ứng quá mẫn như các đối tượng khác. Bạn nên đến các cơ sở y tế để tư vấn.
Nguyễn Vi
10:09 ngày 17/06/2021
Xin cho em hỏi, công dân đang tạm trú làm việc tại TP HCM, nếu có nhu cầu tiêm chủng vắc-xin thì phải đăng ký như nào ạ. Xin chân thành cảm ơn!
Ngoài vắc xin Covid-19 đang đợi theo lộ trình, hiện nay các loại vắc xin khác phòng bệnh khác cho trẻ em và người lớn đều có trong hệ thống trung tâm tiêm chủng của VNVC (56 trung tâm cả nước). Bạn có thể tìm hiểu truy cập trên website: vnvc.vn
Văn Hải
10:09 ngày 17/06/2021
Năng lực bảo quản về vắc-xin như thế nào, khi vắc-xin Pfizer sẽ về Việt Nam số lượng lên đến 31 triệu liều?
Việt Nam có đủ năng lực bảo quản vắc-xin vì Việt Nam đã là một trong những quốc gia tổ chức tiêm chủng mở rộng từ năm 1980, với hơn 12 ngàn điểm tiêm chủng tại các trạm y tế xã phường và nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ khác. Đồng thời, có các kho bảo quản tại các huyện, các tỉnh.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục kết hợp với Bộ Quốc phòng trong việc bảo quản vắc-xin, nên tôi cho rằng, Việt Nam đủ năng lực để bảo quản vắc-xin ngừa Covid-19.
Nguyễn Khánh
10:10 ngày 17/06/2021
Tôi có người quen đã từng mắc Covid-19, đã chữa khỏi lâu. Vậy bạn ấy có cần tiêm ngừa nữa không thưa bác sĩ?
Đối với những người đã từng mắc bệnh Covid-19 đều có thể tiêm vắc xin Covid-19 sau 6 tháng khỏi bệnh.
Tuỳ Phong
10:10 ngày 17/06/2021
Khi số lượng tiêm chủng lớn, người tiêm có phải ngồi lại điểm tiêm theo dõi 30 phút hay không? Làm thế nào để đảm bảo giãn cách khi số lượng người tiêm quá lớn.
Theo tôi, người tiêm vẫn cần ngồi để được theo dõi 30 phút sau tiêm. Bởi việc theo dõi này là rất cần thiết, đây là khoảng thời gian có thể có sốc phản vệ sớm xảy ra. Tuy vậy, do số lượng người tiêm nhiều, chúng ta có thể bố trí nhiều điểm tiêm và tăng thời gian tiêm trong ngày để tiêm được tỉ lệ cao, nhưng vẫn đảm bảo ngồi theo dõi tại điểm tiêm 30 phút.
Bạch Tuyết
10:10 ngày 17/06/2021
Vắc-xin AstraZenaca chỉ có hiệu quả 60% với chủng Ấn Độ, vậy tiêm 80 triệu dân có đủ miễn dịch cộng đồng không thưa chuyên gia?
Vắc-xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền hiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Tuy nhiên không có vắc-xin nào có hiệu lực 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc-xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng trên 70% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực từ trên 60 đến 95% vì vậy Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo vắc-xin là một vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19.
NGUYỄN BẢO THIỆN
10:15 ngày 17/06/2021
Kính gửi TS-BS Lê Quốc Hùng : Nếu nhân viên bệnh viện Nhiệt đới (đã tiêm vắc-xin) đến thuê căn hộ chung cư ở được 2 ngày thì phát hiện bị nhiễm Covid-19 thì tầng của căn hộ đó cũng như chung cư có bị phong tỏa không thưa bác sĩ ? Nếu không phong tỏa do mức độ lây nhiễm thấp thì tại sao các nhân viên của Nhiệt đới đã được tiêm ngừa lại lây lan nhanh cho nhau trong bệnh viện ?
Việc phong tỏa hay không phong tỏa sẽ có các chuyên viên dịch tễ phân tích và quyết định nhằm 2 mục đích chính. Thứ nhất là phòng chống lây lan hữu hiệu. Thứ 2 đảm bảo hoạt động của người dân an toàn nhất có thể trong vùng dịch. Do vậy, các bạn nên tin tưởng quyết định của HCDC.
Như chúng ta đã biết không có loại văc-xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Những người được chích ngừa đủ vẫn có thể bị mắc bệnh hoặc trở thành người mang trùng lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên tất cả các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ này rất thấp. Việc các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới không thể đem so sánh với chung cư do những đặc thù làm việc và sinh hoạt, môi trường rất khác nhau. Vì vậy, như đã nói ở trên các chuyên viên HCDC đã phân tích kỹ lưỡng và đưa ra quyết định không phong tỏa khu vực chung cư. Do họ đã có phương án chủ động để tiếp tục giám sát mức độ lây lan bệnh tại khu vực này. Điều này sẽ đưa ra các biện pháp thích hợp nhất tùy vào thời điểm. Bạn hãy an tâm.
Bảo Ngọc
10:19 ngày 17/06/2021
Có một số trường hợp đến lượt tiêm vắc-xin nhưng hiện mắc một số căn bệnh thông thường như cảm, ho, sổ mũi,... hoặc một số bệnh lý khác như huyết áp,... thì không thể tiêm. Xin các bác sĩ lý giải nguyên do?
Bất cứ một loại thuốc nào đều có chỉ định và chống chỉ định sử dụng do lợi ích của chính người được sử dụng loại thuốc đó. Trong trường hợp sử dụng vắc-xin mục tiêu là cho cơ thể tạo ra lượng kháng thể để bảo vệ cơ thể. Để có hiệu quả tốt nhất tạo ra kháng thể đầy đủ thì cơ thể người chích phải trong trạng thái khỏe mạnh, ổn định. Do vậy bạn đang bị mắc một số bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính điều trị chưa ổn định khi chích vắ- xin sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vây, nên chích vào thời điểm bạn có sức khỏe tốt nhất.
Hà Mi
10:19 ngày 17/06/2021
Em uống thuốc Fexofenadin 180mg hoặc TETRACYCLIN bị dị ứng ngứa khắp người, để lại thâm lâu năm không hết. Dược sĩ có ghi dị ứng với gốc CIPROFLOXACIN; gốc COTRIME. Em thuộc nhóm máu hiếm B RH-. Xin hỏi em có thể chích vắc-xin ngừa Covid-19 không ạ
Do em có cơ địa dị ứng với rất nhiều loại thuốc nên cần phải được tầm soát kỹ trước khi tiêm. Bạn nên tới các cơ sở chích ngừa khai báo trung thực để được khám sàng lọc kỹ, từ đó xác định bạn có nên chích hay không và chích tại cơ sở y tế nào.
Trần Đức Long
10:22 ngày 17/06/2021
Trên các thông tin báo đài cho rằng hiệu quả của loại vắc-xin đang sử dụng ở Việt Nam đạt hiệu quả khoảng 80%. Nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế đã tiêm 2 mũi nhưng vẫn mắc khá cao, khoảng 100 người. Như vậy chúng ta có cần đánh giá lại chính xác hiệu quả thực sự của vắc-xin này hay không?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin đạt hiệu quả bảo vệ trên 50% và đạt tính an toàn là được phép lưu hành. Không có bất cứ loại vắc xin nào đạt được 100%. Riêng vắc xin Astra Zeneca, qua ghi nhận hiệu quả từ 65%-90%. Đối với việc phòng bệnh nặng, tử vong do Covid-19 thì vắc xin này đạt hiệu quả bảo vệ là 100% sau khi tiêm ngừa. Việc những người đã được tiêm ngừa nhưng vẫn mắc bệnh: bệnh nhẹ, không có triệu chứng là điều đã được ghi nhận. Hiệu quả phòng chống lây truyền của vắc xin Covid-19 là 50%. Do đó, người tiêm ngừa đầy đủ cần tuân thủ, thực hiện 5K để tránh việc lây truyền mầm bệnh cho người khác.
Đoàn Thanh Hải
10:31 ngày 17/06/2021
Vắc-xin bảo vệ cơ thể như thế nào? Với biến chủng Ấn Độ nguy hiểm như hiện nay thì hiệu quả của vắc-xin Việt Nam đang tiêm ra sao?
Sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Việc biến chủng của virus thường xuyên xảy ra và các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục theo dõi hiệu quả của vắc xin này. Thực tế, việc sử dụng vắc xin với độ bao phủ cao trong giai đoạn hiện nay đã giúp nhiều quốc gia giảm gánh nặng bệnh tật. Vắc xin Covid-19 vẫn là vũ khí hiệu quả nhất trong việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Phạm Thị Minh Dương
10:34 ngày 17/06/2021
Tôi có tham gia làm tình nguyện viên chống dịch nên đã được tiêm 1 mũi vắc-xin. Tôi không hề có phản ứng nào sau tiêm. Xin cho hỏi như vậy là cơ thể tôi có đáp ứng miễn dịch không, hay thuốc không có hiệu quả?
Không thể biết được hiệu quả của vắc-xin thông qua những triệu chứng đáp ứng của cơ thể mỗi người sau khi chích vắc-xin. Người ta chỉ khẳng định được hiệu quả của vắc-xin đó khi đo nồng độ kháng thể trong máu của người được chích.
Phan Hùng Dũng
10:34 ngày 17/06/2021
Trước tiên tôi xin cảm ơn Đảng Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực hết mình đàm phán để có nhiều liều vắc-xin quí giá cho người dân. Đặc biệt có đợt tiêm chủng miễn phí cứu sống được nhiều bệnh nhân nghèo giữa đại dịch Covid-19, tôi rất hoan nghênh. Nếu có đợt tiêm chủng miễn phí tôi và gia đình tôi xin đăng ký tham gia tiêm chủng để bảo vệ mình và cộng đồng. Tôi ý thức được điều này, quyết tâm cùng Đảng và Nhà nước đưa Việt Nam thoát khỏi đại dịch... Xin cảm ơn.
Cảm ơn bạn đã có những chia sẻ và tôi cho rằng tiêm chủng không những là quyền lợi của mỗi cá nhân người dân Việt Nam mà còn là quyền lợi và trách nhiệm vì muốn phòng bệnh phải đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 60-70% dân số phải được tiêm chủng.
Đào Ngọc Hiển
10:34 ngày 17/06/2021
Dạ xin hỏi: Nếu đang chích ngừa Verorab (ngừa bệnh dại) thì phải bao lâu mới chích được vắc-xin ngừa Covid-19. Xin cảm ơn.
Các đối tượng đang chích vắc-xin phòng ngừa bệnh bất kỳ nào đó thì không được chích vắc-xin Covid-19. Bạn nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế đã chích ngừa cho bạn để biết thời gian hoàn thiện sau khi chích loại vắc-xin đó. Sau thời gian cần thiết để cơ thể tạo được lượng kháng thể ổn định để phòng ngừa bệnh của loại vắc-xin bạn đã chích thì mới có thể chích loại vắc-xin khác.
Trần Hải
10:34 ngày 17/06/2021
Thưa bác sĩ, hiện nay Việt Nam mới chỉ tiêm văc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca, sắp tới Bộ Y tế sẽ nhập nhiều loại vắc xin của các nước khác, vậy cho hỏi sẽ phân bổ để tiêm chủng như thế nào, người dân có được chọn loại vắc xin để tiêm không?
Hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phòng Covid-19 của các nhà sản xuất khác nhau. Khi đã có đủ nguồn vắc-xin phòng Covid-19 và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể lựa chọn loại vắc-xin phòng Covid-19.
Vắc-xin phòng Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc-xin khi đưa ra sử dụng. Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là quan trong để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc-xin mà phải chờ đợi mà bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm.
Nguyễn Ngọc
10:35 ngày 17/06/2021
Người dân có được chọn loại vắc-xin để tiêm không?
Hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phòng Covid-19 của các nhà sản xuất khác nhau. Khi đã có đủ nguồn vắc-xin phòng Covid-19 và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể lựa chọn loại vắc-xin phòng Covid-19.
Vắc-xin phòng Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng. Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là quan trong để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc-xin mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm.
Trần Văn Duẩn
10:35 ngày 17/06/2021
Vắc-xin Covid-19 Việt Nam đang tiêm hiện nay bảo vệ cơ thể như thế nào? Với biến chủng Ấn Độ nguy hiểm như hiện nay thì hiệu quả của vắc-xin Việt Nam đang tiêm ra sao?
Vắc-xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền hiễm nguy hiểm, các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%; vắc-xin phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong
Vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều là vắc-xin mới, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin phòng Covid-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc-xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá.
Đỗ khắc hoài An
10:35 ngày 17/06/2021
Một người bị cao huyết áp, rối loạn thần kinh tim, có đủ điều kiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không?
Nhóm người mắc bệnh mãn tính đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao và mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc xin, tuy nhiên chỉ có chỉ định tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.
Hoàng Hùng
10:35 ngày 17/06/2021
Tôi có tham gia làm tình nguyện viên chống dịch nên đã được tiêm 1 mũi vắc-xin. Tôi không hề có phản ứng nào sau tiêm. Xin cho hỏi như vậy là cơ thể tôi có đáp ứng miễn dịch không, hay thuốc không có hiệu quả?
Sau tiêm vắc-xin sẽ có người có biểu hiện phản ứng sau tiêm chủng, và có những người không có biểu hiện phản ứng. không thể dựa vào đó để đánh giá đã có đáp ứng miễn dịch mà phải thực hiện đánh giá kháng thể bằng các phương pháp xét nghiệm.
Nguyễn Văn Trắc
10:35 ngày 17/06/2021
Đang uống thuốc điều trị viêm gan B đã ổn định có thể tiêm vắc-xin Covid-19 được không?
Người có bệnh lý mạn tính không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay ở Việt Nam. Trước khi tiêm, bạn sẽ được nhân viên y tế tư vấn đầy đủ.
Thuý Hạnh
10:35 ngày 17/06/2021
Hiện tại đã có những nghiên cứu mới nhất về thời gian bảo vệ của vắc-xin chưa chuyên gia?
Vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều là vắc-xin mới, hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin phòng Covid-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc-xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá.
Hoàng việt Cường
10:38 ngày 17/06/2021
Sau khi tiêm vắc-xin, thời hạn miễn dịch bao lâu ?
Do tất cả các loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 hiện nay đều được phê duyệt khẩn cấp. Chưa loại vắc-xin nào hoàn thiện tất cả các giai đoạn nghiên cứu. Do vậy, không thể biết được thời gian chính xác kháng thể lưu hành sau chích. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy những người được tham gia thử nghiệm các loại vắc-xin từ giữa năm 2020 đến nay vẫn đang có đủ lượng kháng thể lưu hành.
PHI ICH NGHI
10:42 ngày 17/06/2021
Dung dich tiêm bắp, 1 lọ 10 liều, mỗi liều 0,5 ml. Tại sao tại Việt Nam tiêm được 12-13 liều? Hiệu quả như thế nào? Rất cảm ơn.
Trong thực tế, nhà sản xuất đóng tổng lượng thuốc trong mỗi lọ nhiều hơn để phòng ngừa sự thất thoát trong quá trình rút thuốc và chích thuốc. Nếu kỹ thuật được huấn luyện tốt thì ho có thể tránh được thất thoát này. Do vậy, số lượng người được chích sẽ cao hơn.
Dương Thái Học
10:42 ngày 17/06/2021
Người dân ở TP HCM muốn tiêm vắc-xin Covid-19 dịch vụ thì cách thức đăng ký thế nào? Và ở đâu tiếp nhận tiêm vắc-xin dịch vụ? Xin trân trọng cảm ơn.
Hiện nay việc tiêm vắc-xin Covid-19 dịch vụ chưa được triển khai. Về việc tiếp nhận đăng ký vắc-xin Covid-19, VNVC đang theo lộ trình của Chính phủ và Bộ Y tế, khi được cho phép sẽ triển khai rộng rãi. Trong thời gian tới, bạn có thể liên lạc đường dây nóng của VNVC (02873006595) sẽ được cập nhật thông tin mới nhất.
Tran Dung
10:44 ngày 17/06/2021
Thưa Bác sỹ, cho em hỏi, nếu mà người trẻ tuổi được tiêm, mà người già từ 70 - 85 tuổi không được tiêm, thì người trẻ tiêm, có thể vẫn mắc bênh, về lây cho cha mẹ mình thì sao. Mẹ em năm nay 85 tuổi rồi. Giải pháp này làm thế nào thưa Bác sỹ. Trân trọng cảm ơn
Không có phương án nào đạt hiệu quả 100%. Do vậy sẽ phải chọn các đối tượng có nguy cơ cao nhất để chích ngừa trước. Từ đó, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng như vậy, người trẻ là đối tượng ưu tiên tiêm trước và người già tiêm sau chứ không phải người già không được tiêm.
Học Dương
10:49 ngày 17/06/2021
Cho tôi hỏi tình hình dịch bệnh tại TP HCM đang rất phức tạp... Vậy thời gian TP sẽ được tiêm vắc-xin là khi nào??? Cách thức người dân để được tiêm vắc-xin là thế nào?
Tại TP HCM, lãnh đạo TP mới đây cho biết chủ trương sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn TP. Bạn nên theo dõi, cập nhật thông tin về vấn đề tiêm vắc-xin Covid-19 tại địa phương qua chính quyền, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương.
Hoang Nam
10:55 ngày 17/06/2021
Cho tôi hỏi việc phân bố tiêm ngừa vắc-xin như thế nào? Ngoại trừ những y bác sĩ tuyến đầu được ưu tiên tiêm, còn lại người dân phân chia đối tượng thế nào? Khu vực,vùng miền thế nào? Hôm rồi buổi từ thiện cho vắc-xin Covid-19, tôi thấy phía miền Nam quyên góp rất nhiều, chênh lệch rất lớn so với những vùng khác nhưng tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin hiện tại miền Nam lại thấp nhất. Chuyện này cần giải thích rõ ràng. Vì hiện tại miền Nam nói chung và TP HCM nói riêng cũng đang bị dịch không kém. Nơi nào quyên góp nhiều hơn nên ưu tiên dân vùng đó trước. Mong nhận được sự trả lời từ Bộ Y tế Cảm ơn.
Tất cả các đối tượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch ví dụ như công an, dân phòng, bộ đội biên phòng... đều được xem là ưu tiên 1 chứ không chỉ các y bác sĩ. Do đây là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Cũng như vậy, nhà nước và Bộ Y tế sẽ phân chia các đối tượng người dân trong xã hội theo những nhóm có nguy cơ khác nhau. Sự phân nhóm các loại nguy cơ dựa vào nhiều yếu tố. Ví dụ như: Người trẻ thường xuyên hoạt động, tiếp xúc với nhiều người trong xã hội nên sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người già ở tại nhà. Những người có bệnh nền khi mắc bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn người khỏe mạnh... Vì vậy, những nhóm đối tượng được phân nhóm theo xã hội sẽ được lần lượt chích vắc-xin theo đối tượng nguy cơ như đã kể trên.
Các vùng miền cũng được sắp theo mức độ nguy cơ nhiễm bệnh. Địa phương nào có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ được ưu tiên chích trước, không phụ thuộc vào mức độ đóng góp kinh phí để mua vắc-xin.
Anh Linh
11:14 ngày 17/06/2021
Việc tập huấn cho cán bộ tiêm chủng và khuyến cáo người tiêm sẽ như thế nào? Người tiêm có phải ngồi lại điểm tiêm theo dõi 30 phút hay không? Làm thế nào để đảm bảo giãn cách khi số lượng người tiêm quá lớn.
Bộ Y tế đã tổ chức rất nhiều đợt tại nhiều vùng miền để tập huấn bổ sung kiến thức cần thiết cho cán bộ y tế chuyên trách về vấn đề tiêm chủng nhằm đảm bảo vấn đề giãn cách phòng tránh lây nhiễm bệnh trong các đơn vị tiêm cũng như đảm bảo an toàn sau tiêm.
Người được chích ngừa cần phải lưu lại điểm tiêm tối thiểu 30 phút để theo dõi và phát hiện, xử lý những tác dụng phụ nguy hiểm sau tiêm. Hơn nữa, cũng khuyến cáo cho người được tiêm chích vắc-xin Covid-19 tự theo dõi tại nhà sau tiêm.
Nguyễn Thị Thùy
11:14 ngày 17/06/2021
Phụ nữ cho con bú có được chích vắc-xin Covid-19 không thưa bác sĩ?
Trước đây những dữ liệu tiêm vắc-xin Covid-19 cho phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú còn hạn chế. Nhưng trên thực tế hiện nay, ở một số quốc gia cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, họ vẫn tiến hành tiêm cho những đối tượng trên. Tại VN hiện chờ hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về vấn đề này. Trong thời gian này, bạn nên tiêm phòng những loại vắc-xin phòng những bệnh khác cũng gây ra những triệu chứng về hô hấp như: cúm, phế cầu, ho gà,... để tránh nhầm lẫn với những biểu hiện nhiễm Covid-19 và tránh trường hợp đồng nhiễm nhiều loại tác nhân gây bệnh trong cùng thời điểm sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Nguyễn Văn Hùng
11:14 ngày 17/06/2021
Xin chào TS Hùng: Tôi đã được tiêm 2 mũi Vaccin phòng covid của Astra, tôi làm xét nghiệm kháng thể sau tiêm vaccin ở đâu tại TPHCM để kiểm tra tôi có kháng thể chống covid chưa ? Xin cám ơn. Xét nghiệm sau khi tiêm xong là bao lâu ?
Xét nghiệm đo nồng độ kháng thể sau tiêm chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu trong quá trình nghiên cứu vắc-xin. Do vậy, không có cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm đo nồng độ kháng thể này theo yêu cầu.
Bình luận (0)