Sáng 14-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn trước Quốc hội kỳ này - đã trả lời về vấn đề giá thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn sáng 14-6. Ảnh chụp màn hình
Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Dương Minh Anh (Hà Nội) về thực trạng người dân dễ dàng mua các thuốc phải kê đơn tại các hiệu thuốc mà không cần đơn, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận đây là yếu kém của Bộ Y tế trong vấn đề này. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bộ đã giao Cục Quản lý dược, đồng thời ban hành nhiều quy định về kê đơn thuốc và chuỗi nhà thuốc GPP, tuy nhiên ngành y tế vẫn chưa làm được.
Về thực trạng người dân đến hiệu thuốc mua thuốc không cần có toa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói trong nhiệm kỳ này sẽ cố gắng chấm dứt. Bà thừa nhận đây là yếu kém và sắp tới phải thay đổi.
Nói về mức chênh lệch giữa giá thuốc bệnh viện và quầy thuốc ngoài đường, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết "chắc chắn cùng một tên thuốc sẽ có sự chênh lệch giá nhiều giữa nhà thuốc này với nhà thuốc kia bởi thuốc lưu hành tại thị trường tự do, cơ sở kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá nhưng phải tuân thủ quy định niêm yết giá và giá bán không được cao hơn giá kê khai được công bố và chịu sự kiểm tra của cơ quan chức".
Đối với giá biệt dược, Bộ trưởng Tiến thừa nhận là cao vì "đã là biệt được thì giá cũng rất đặc biệt". Hiện nay còn 700 biệt dược, có bản quyền và giá rất cao. Bộ Y tế sẽ cố gắng đưa các biệt dược đã gần hết bản quyền đưa vào đấu thầu để giá thấp hơn"- bà nói.
Về chuyện giá thuốc Việt Nam cao hơn giá thuốc thế giới mà ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng giá thuốc Việt Nam đang ổn định, không cao. Theo đánh giá các tổ chức y tế quốc tế thì giá biệt dược gốc ở Việt Nam thấp hơn ASEAN 10%.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng giải thích các nội dung xung quanh kết quả kiểm toán việc thất thoát, lãng phí trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố. Cụ thể, nhiều loại đầu tư mới nhưng đắp chiếu, hoặc mới dùng đã hỏng, hoặc cùng một loại thiết bị, một nhà cung cấp nhưng phê duyệt giá chênh nhau tới 7 lần.
Trả lời, Bộ trưởng Tiến cho biết việc thiết bị y tế chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng là bởi thời gian qua, ngân sách không đủ nên nhiều bệnh viện phải dùng máy với công suất quá lớn, kể cả tuyến tỉnh. "Chúng ta đáng lẽ phải mua nhiều máy hơn"- bà Tiến nói.
Về giá mua thiết bị y tế chênh lệch tới 6-7 lần, Bộ trưởng cho rằng "Kiểm toán nhà nước có quyền quyết định nhưng các bệnh viện, các cơ sở y tế vừa rồi đã không đồng thuận bởi trang thiết bị, vật tư y tế có nhiều chủng loại, mẫu mã, cách đóng gói… khác nhau".
Dẫn chứng, Bộ trưởng Tiến cho biết loại kim cánh bướm nhỏ để luồn vào mao mạch nhỏ, bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) mua 6.000-7.000 đồng nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) gấp 7-10 lần do loại kim của Bệnh viện Chợ Rẫy có khoá, van, đầu vát hơn tránh đau cho bệnh nhân ghép tạng. "Tương tự, nhiều thiết bị khác cũng có các thiết bị giống nhau nhưng tùy chức năng khác nhau nên giá sẽ chênh lệch chứ không đồng nhất"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bình luận (0)