Cuộc gặp gỡ do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì.
Đây là lần thứ 2 Bộ Y tế tổ chức gặp gỡ, trực tiếp chia sẻ thông tin và trả lời các nội dung xung quanh việc phòng chống dịch bệnh liên quan đến chủng corona virus mới, sau cuộc họp báo lần đầu hôm 31-1 tại trụ sở Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 5-2, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Thế giới đã ghi nhận 24.553 người nhiễm nCoV, 492 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 490 người tử vong; Phillippines: 1 người tử vong và Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.
Tại Việt Nam, đã có 10 người mắc nCoV gồm 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ (Việt kiều) đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán (Trung Quốc) và 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí
Những ngày qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch nCoV. Tại cuộc họp Chính phủ chiều 4-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế rà soát cụ thể phương án ứng phó, nhưng không gây hoang mang, chủ động, tập trung phòng chống dịch bệnh. Cùng đó, công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc sẽ phải cách ly 14 ngày, Bộ Y tế được Chính phủ giao thực hiện chủ trì phòng chống dịch, Bộ Ngoại giao hỗ trợ đưa công dân Việt Nam về nước, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an đưa công dân Trung Quốc về nước. Các bộ phối hợp thiết lập cầu hàng không đưa công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, đảm bảo nơi ăn, ở, cách ly, đảm bảo đóng các đường mòn, lối mở biên giới.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, các tính toán khoa học cho thấy dịch tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới.
Một số tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng tình với các biện pháp mà Việt Nam đang triển khai.
Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến cuộc gặp gỡ báo chí này.
Tiêu điểm sự kiện
- Sẽ kiểm soát thành công dịch nCoV ở Việt Nam16:55
- Xử lý thế nào với các nhà thuốc vi phạm?16:51
- Nguyên tắc điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV16:35
- Chưa rõ đặc điểm virus và cơ chế lây truyền16:23
- Độ tuổi nào dễ mắc nCoV?16:22
- Tỉ lệ tử vong của nCoV chỉ là 1,8%16:15
- Khuyến cáo với người thân các ca nhiễm16:09
- Việt Nam chưa có bệnh nhân nào phải dùng máy thở16:07
- Thời gian xét nghiệm virus corona nhanh là 5,5 giờ15:51
- Huy động toàn Đảng, toàn dân15:48
- Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới15:32
- Đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất15:28
- Người bình thường không cần đeo khẩu trang y tế15:26
- Virus corona dễ lây hơn SARS15:18
- Bộ Y tế thông tin về tình hình dịch bệnh15:14
- Tân Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp báo15:08
- Đông đảo phóng viên tham dự cuộc họp14:59
16:55 ngày 05/02/2020
Sẽ kiểm soát thành công dịch nCoV ở Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết về phương pháp điều trị, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật phác đồ điều trị và kinh nghiệm điều trị của Thái Lan, Trung Quốc để có những phác đồ điều trị tốt nhất. Hiện nay, Trung Quốc đã có phác đồ điều trị 2 dùng thuốc điều trị HIV để điều trị cho bệnh nhân này đã rất hiệu quả, chúng tôi cũng đưa vào chương trình sẵn sàng điều tra phương pháp này.
Trong vòng hơn 1,5 giờ đồng hồ, đại diện Bộ Y tế đã trả lời hơn 70 câu hỏi xung quanh các biện pháp ứng phó, cách thức phòng chống, phương thức ứng phó với nCoV. Việt nam đã rất chủ động trong việc đối phó với dịch và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ về tình hình dịch trên tinh thần hạn chế tối đa sự lây nhiễm do virus corona.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông trong việc chuyển tải thông tin giúp cho người dân hiểu rõ và biết cách phòng chống, không chạy theo những tin đồn trên mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chuyển lời của Thủ tướng động viên cán bộ y tế, những nhà thuốc tặng khẩu trang, những đội tình nguyện đang hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Ông Long cũng tin tưởng sẽ kiểm soát thành công dịch nCoV ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
16:51 ngày 05/02/2020
Xử lý thế nào với các nhà thuốc vi phạm?
Về việc tăng giá khẩu trang, thiết bị vật tư phòng chống virus corona, hoặc treo biển không bán khẩu trang, ông Đỗ Văn Đông Phó Cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết:
Thứ nhất, Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ những nhà thuốc trong thời điểm dịch có những hoạt động gây phản cảm thì phải xử phạt rất nặng. Ở Hà Nội và các tỉnh khác, thời gian vừa qua đã xử lý một số nhà thuốc bán khẩu trang đắt hơn với giá thực tế.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang liên hệ với Sở Y tế cấp phép cho các nhà thuốc để xem xét xử lý, sao cho phù hợp. Tuỳ vào trường hợp sẽ xử lý.
Chúng tôi hiện nay đang khuyến cáo các nhà thuốc phải bán khẩu trang, các thiết bị vật tư phòng chống virus corona cho nhân dân và khuyến cáo cho nhân dân sử dụng các thiết bị này. Nhà thuốc hãy xứng đáng nhà thuốc vì nhân dân. Không om hàng, không tăng giá bán…
Ở chiều ngược lại, người dân hết sức bình tĩnh, nghe theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để cung vượt cầu. Người dân không phải mọi trường hợp đều cần đến khẩu trang, người dân không phải tìm mọi cách để có khẩu trang.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng cơ quan chức năng coi hành vi treo biển không bán khẩu trang là đạo đức của người kinh doanh. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo với các nhà thuốc phát khẩu trang miễn phí cho người dân và khuyến cáo cách sử dụng khẩu trang đúng cách. "Chúng tôi hy vọng các nhà thuốc chung tay trong bối cảnh hiện nay"- Thứ trưởng Long nói.
16:35 ngày 05/02/2020
Nguyên tắc điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV
Nói về quy trình điều trị đối với 10 bệnh nhân nhiễm nCoV, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết trong số này có 3 bệnh nhân đã được xuất viện. Để điều trị cho bệnh nhân, các chuyên khoa phải phối hợp cùng nhau điều trị các triệu chứng của bệnh nhân. Nguyên tắc điều trị vẫn là mở thông thoáng phòng bệnh, không mở điều hoà. Kinh nghiệm điều trị ở Trung Quốc là trên 70% người bệnh trên 60 tuổi có bệnh nền tử vong. Kết quả điều trị của Việt Nam rất khả quan là nhờ việc phối hợp giữa các chuyên khoa.
Sau khi tổng hợp phác đồ điều trị, tổng hợp từ 3 phác đồ điều trị tại các cơ sở y tế, cuối tuần này Bộ Y tế sẽ có tập huấn đến tận tuyến huyện với mục tiêu hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Hiện Bộ Y tế đã có 40 đội cấp cứu sẵn sàng chi viện cho địa phương.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế -
16:23 ngày 05/02/2020
Chưa rõ đặc điểm virus và cơ chế lây truyền
Nói về cơ chế lây truyền, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết đến thời điểm này dịch bệnh đã lây lan rất nhanh, hiện đặc điểm di truyền chưa rõ ràng. Trong 1-2 tuần tới, Trung Quốc mới cho các chuyên gia quốc tế vào nguyên cứu nên nghiên cứu về đặc điểm virus và cơ chế lây truyền hiện chưa thật sáng tỏ. Tại thời điểm này việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Thông tin có lây qua đường nước hay không hay lây qua bể bơi hay không, hiện chưa có nghiên cứu nhưng người mang virus lại ra bể bơi hay khạc nhổ ở nhà vệ sinh thì rõ ràng lây truyền mầm bềnh cho người khác.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trả lời câu hỏi
Nói thêm về việc sử dụng khẩu trang phòng bệnh, ông Phu cho biết hôm nay Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn đeo khẩu trang nhưng với người khoẻ mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
16:22 ngày 05/02/2020
Độ tuổi nào dễ mắc nCoV?
Các nhà khoa học đang giải mã đường lây của virus nCoV. Chỉ biết rằng virus này lây từ động vật có vú nhưng chưa biết là loại nào.
Về độ tuổi mắc Corona, hầu hết các độ tuổi mắc đều trên 30 tuổi, phụ nữ và trẻ em mắc ít hơn. Đến nay, chúng tôi chưa xác định được tại sao lại vậy. Chúng ta không thể nói trẻ em khó lây nhiễm hơn người lớn và chúng ta chỉ ghi nhận có hiện tượng này. Ở Vũ Hán, Trung Quốc 80% các bệnh nhân bị mắc Corona là trên 60 tuổi trở lên; 75% các bệnh nhân đã có bệnh nền.
Để phòng tránh Corona đối với trẻ em, phụ huynh cần thường xuyên rửa tay cho trẻ, hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người. Ngoài ra, người lớn cũng cần thường xuyên vệ sinh các bề mặt tại chính gia đình mình sinh sống.
Máy quay và điện thoại có thể nhiễm virus corona trong quá trình quay và chụp ảnh.
16:15 ngày 05/02/2020
Tỉ lệ tử vong của nCoV chỉ là 1,8%
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc Hội chứng Hô hấp Trung đông (MERS-CoV) năm 2012 là hơn 34%; Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 là 10%, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) chỉ là 1,8%...Ở Việt Nam, 10 ca bị nhiễm đang tiến triển rất tốt, đó cũng là thành công của ngành y tế và các cấp ngành.
Đối với dịch này nguồn gốc của nó thì chưa rõ, nhưng giải trình từ gen thì có hơn 90% nguồn gen từ dơi. Tuy nhiên, việc này cũng không phải bởi hiện nay là mùa dơi đang ngủ đông.
Do vậy, các nhà khoa học cho rằng có khả năng nguồn gốc gây từ động vật có vú, nhưng rất may không phải gây từ các vật nuôi trong nhà. Bởi vì nếu có thì các nhà khoa học đã phát hiện ra.
Tuy vậy các nhà khoa học cũng khuyến cáo là không nên nuôi các động vật này để đề phòng
Trước những lo ngại về việc làm việc trong môi trường có người được phát hiện nhiễm nCoV, ông Long lưu ý đối với người tiếp xúc thì nên báo cho cơ quan y tế và tự cách ly tại gia đình. Những trường hợp này sẽ được theo dõi thân nhiệt, cung cấp thiếu bị phòng hộ cho gia đình.
16:09 ngày 05/02/2020
Khuyến cáo với người thân các ca nhiễm
Ông có khuyến cáo gì với những người thân các ca nhiễm?
Ngoài những người nhiễm virus corona được cách ly tuyệt đối tại bệnh viện, hiện nay 138 trường hợp có liên quan đến người nhiễm được cách ly tuyệt đối ở nhà, thậm chí đã lập một vòng cách ly là người tiếp xúc với người tiếp xúc nghi nhiễm.
Máy quay và điện thoại có thể nhiễm virus corona trong quá trình quay và chụp ảnh.
Các nhà khoa học đang giải mã đường lây của virus nCoV. Chỉ biết rằng virus này lây từ động vật có vú nhưng chưa biết là loại nào. Chúng ta không thể nói trẻ em khó lây nhiễm hơn người lớn và chúng ta chỉ ghi nhận có hiện tượng này.
16:07 ngày 05/02/2020
Việt Nam chưa có bệnh nhân nào phải dùng máy thở
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng đáp ứng điều trị, Thứ trưởng Long cho biết đối với các cơ sở về điều trị, Việt Nam đã chuẩn bị tất cả các tình huống, đặc biệt là sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. Với tuyến trung ương, có 22 bệnh viện tuyến cuối. Giường bệnh dành cho điều trị lên tối đa 3.000 trường hợp. Thậm chí bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng trưng dụng toà nhà mới xây 500 giường để điều trị và chuẩn bị 1.000 máy thở. Nhưng bệnh này không phải ai cũng dùng máy thở, 10 bệnh nhân Việt Nam đã và đang điều trị, chưa ai phải dùng máy thở.
15:51 ngày 05/02/2020
Thời gian xét nghiệm virus corona nhanh là 5,5 giờ
GS Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh: “Khẩu trang thật sự không phải giải pháp dành cho tất cả mà chúng ta phải theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Còn khi nào sử dụng thì Bộ Y tế sẽ khuyến cáo đến người dân”.
Nói về khả năng xét nghiệm nCoV tại Việt Nam, GS Long cho biết ngành y tế đã tập huấn để các tỉnh biên giới có thể tự xét nghiệm, rút ngắn thời gian có kết quả. Đến nay Quảng Ninh đã tự xét nghiệm tại chỗ được. “Chúng ta đang đi đúng hướng phòng chống dịch corona được các tổ chức trên thế giới ghi nhận. Sắp tới, chúng ta tiếp tục áp dụng phương pháp quyết liệt với tinh thần cao nhất. Giám sát chặt chẽ công đồng, khi có dịch sẽ khoanh vùng, cách ly để phòng chống dịch. Người dân phải bình tĩnh chúng ta mới chiến thắng được, nếu người dân khủng hoảng thì sẽ rất nguy hiểm”- ông Long nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế: Phải bình tĩnh chống dịch
Về thời gian xét nghiệm, trên toàn thế giới, toàn bộ quy trình ít nhất là 5,5 giờ đến 8,9 giờ.
Trả lời về việc khi nào Việt Nam sẽ đạt đỉnh dịch, ông Long các chuyên gia đánh giá tình hình dịch bệnh corona của Trunng Quốc sẽ đạt đỉnh từ 8-10 ngày tới. Tuy nhiên, tình hình của Việt Nam thì rất khó nhận định, nhưng nếu chúng ta triển khai phương pháp sẽ hạn chế dịch bệnh này.
Ông Long cũng cho biết theo quy định về luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nếu là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm sẽ được điều trị miễn phí.
15:48 ngày 05/02/2020
Huy động toàn Đảng, toàn dân
Thứ trưởng Long cho biết để chống dịch nCov cần huy động toàn Đảng, toàn dân. Đây là vấn đề cấp bách ưu tiên trước mắt phải xử lý quyết liệt dịch bệnh này.
Thứ trưởng Bộ Y tế nói về việc cách ly để phòng chống dịch
Chúng ta đã phân bổ và kế hoạch xuyên suốt từ trên xuống dưới để cách ly những người từ vùng có bệnh về Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo những người nước ngoài vào Việt Nam, người Việt Nam từ vùng dịch vào Việt Nam về cách ly ngay từ biên giới. Đến nay chủ yếu là người Việt Nam được cách ly khu vực biên giới là 900 người, không có chuyện người nước ngoài tràn vào Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đích thân đến vùng biên giới để kiểm tra. Đến ngày trưa hôm nay (5-2) khu vực biên giới, kể cả hàng không, không nhận người Trung Quốc. Chúng ta cách ly người nước ngoài vào Việt Nam 14 ngày qua. Các trường hợp bị bệnh bị cách ly, 5 trường hợp từ Vũ Hán được cách ly tuyệt đối; 14 trường hợp đi từ Hồ Bắc bị cách ly tập chung; các trường hợp khác đi từ Trung Quốc về được cách ly theo gia đình được theo dõi từ các cơ quan chức năng. Từ năm 2003, khi có dịch SARS, Việt Nam cũng đã thực hiện việc cách ly này và chỉ có như thế mới khống chế được dịch. Dĩ nhiên việc cách ly đối tượng nghi ngờ cũng sẽ gây bất lợi cho người bị cách ly nên chúng ta phải giải thích cho họ và gia đình của họ.
Từ 12 giờ hôm nay 5-2, những cá nhân từ Trung Quốc và quá cảnh qua Trung Quốc đều không được nhập cảnh.
Đối với vùng biên, chúng ta đã đóng 44 đường mòn lối mở trên biên giới Việt-Trung. Đối với các cửa khẩu, chúng ta mở cửa nhưng cách ly đối với các người từ Trung Quốc sang Việt Nam… Ở Quảng Ninh đã cách ly 500 người, quản lý rất chặt chẽ.
15:32 ngày 05/02/2020
Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới
Về điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên là điều trị triệu chứng sốt, ho
Cần đảm bảo dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ; theo dõi thật sát khả năng hô hấp của bệnh nhân. Nếu có suy hô hấp thì can thiệp, nhẹ thì chỉ cần cho thở oxy, mức nặng hơn mới có hỗ trợ, mức 3 mới cần thở máy.
Khi tổng kết 10 trường hợp nhiễm virus corona của Việt Nam hiện nay: Đa phần bệnh nhân điều trị triệu chứng (ho, sốt), chỉ có bệnh nhân Trung Quốc nhiều bệnh lý nền mới cho thở oxy.
Bộ Y tế thận trọng đưa ra phác đồ điều trị rất đầy đủ. Yên tâm phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới, chúng ta điều trị thành công 10 ca bệnh.
15:28 ngày 05/02/2020
Đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất
Bài học trong điều trị SARS là mở tất cả các cửa sổ, điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, mở các cùng cách ly.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết chúng ta cũng đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất đó là dịch lan rộng. "Hiện chúng tôi đã dự trữ gần 3.000 giường bệnh và riêng Hà Nội đã có gần 2.000 giường bệnh"- Thứ trưởng Long nói.
Khánh Hoà cũng đã có phương án khi có nhiều bệnh nhân sẽ điều trị như thế nào. Chúng ta không nên quá hoang mang khi thấy Trung Quốc xây bệnh viện mà chúng ta đã sẵn sàng các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân.
Quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế không che giấu bất cứ thông tin gì, thậm chí có thông tin báo chí đưa trước. Đến thời điểm này có 10 ca nhiễm và khi có bất cứ ca bệnh nào Bộ Y tế đều minh bạch thông tin.
“Có thông tin cần tích trữ lương thực, thậm chí tích trữ cả vàng vì dịch. Điều này không đúng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát”- ông Long nhấn mạnh.
15:26 ngày 05/02/2020
Người bình thường không cần đeo khẩu trang y tế
Đến nay chưa có vắc-xin điều trị, nếu như hắt hơi xổ mũi có thể bắn ra tối đa 1,8 m. Tuy nhiên, để phòng tránh, tổ chức y tế cho rằng nếu như chúng ta cách xa 1 m có thể tránh được.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu
Ngoài ra, tổ chức y tế cũng khuyên chúng ta phải thường xuyên rửa tay thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh này.
Trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp thì chúng ta không nên tiếp xúc đám đông nếu chúng ta không biết rõ. Chính vì vậy, chúng ta nên dừng các lễ hội để phòng tránh việc tụ tập đông người. Bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên lau rửa các bề mặt như: Bàn ghế, nhà vệ sinh bằng các chất tẩy thông thường mà chúng ta đang sử dụng.
“Vậy khẩu trang có là vị cứu nhân không? Tổ chức y tế thế giới công bố dựa trên những chứng cứ khoa học đó là không cần đeo khẩu trang y tế với những người chưa biểu hiệu bệnh và những vùng có nhiều nắng gió như Tây Nguyên”- GS Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long các nghiên cứu cho thấy con virus này sợ ánh sáng, tia cực tím và thông thoáng khí nên tại sao người ta khuyên mở cửa sổ để thoáng khí, và ở các điều kiện tự nhiên (vùng nhiều nắng gió) không nhất thiếu phải dùng khẩu trang và không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế.
Người bình thường không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế
15:18 ngày 05/02/2020
Virus corona dễ lây hơn SARS
Chủ trì cuộc họp báo, GS Nguyễn Thanh Long, cho biết bản thân virus corona có cấu trúc khá đơn giản nhưng khả năng lây lan rất nhanh và cần triển khai các biện pháp để khống chế. Có 3 phương thức lây truyền chủ yếu: Thứ nhất, tiếp xúc với giọt nước bọt qua ho, hắt hơi, sổ mũi...; thứ 2; qua tiếp xúc với người bệnh kể cả bắt tay, nếu không rửa tay có thể lây và thứ 3 là lây truyền từ bề mặt (gỗ, đá, sắt,thép, vải) có thời gian tồn tại khá lâu, khi sờ đồ vật và đưa lên mắt mũi thì dễ lây lan. Đường lây thứ 4 là lây lan qua đường phân nhưng về mặt này chưa có kiểm chứng rõ.
Tại sao virus corona lại lây nhanh? Khác với SARS, trong thời gian ủ bệnh, corona đã lây. Virus corona lây bệnh khi chưa có triệu chứng hoặc những cá thể có triệu chứng rất nhẹ (đau mỏi cơ, sốt nhẹ thoáng qua, đau mỏi) nhưng đã mắc bệnh nên rất dễ bỏ qua.
15:14 ngày 05/02/2020
Bộ Y tế thông tin về tình hình dịch bệnh
Bác sĩ Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, cho biết Theo Bộ Y tế tính đến 12 giờ ngày 5-2, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Thế ghới đã ghi nhận 24.553 người nhiễm nCoV, 492 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 490 người tử vong; Phillippines: 1 người tử vong và Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.
Tại Việt Nam đã có 10 người mắc nCoV, trong đó gồm 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc và 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó. Hiện đang có 52 ca đang được cách ly, theo dõi do tiếp xúc gần với nguồn lây.
Bộ Y tế đã cập nhật đầy đủ các thông tin về dịch bệnh. Chuyển tải không tin qua các trang web, phối hợp với bộ thông tin truyền thông
Sau 3 ngày có 43.467 cuộc gọi, có 96,6% cuộc gọi kết nối. Trong đó, riêng lúc 19 giờ ngày 2-2 có 2.700 cuộc gọi sau khi có thông tin về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về thời gian nghỉ học của học sinh. Tổng đài có 120 tổng đài viên.
Hiện, đường dây nóng 19009095 hoạt động song song với đường dây nóng 19003228 và các đường dây nóng của 21 bệnh viện có cơ sở theo dõi điều trị cách ly bệnh nhân nghi nhiễm/nhiễm nCoV.
15:08 ngày 05/02/2020
Tân Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp báo
15 giờ chiều, cuộc họp báo bắt đầu. GS-TS Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì cuộc họp báo.
14:59 ngày 05/02/2020
Đông đảo phóng viên tham dự cuộc họp
Ghi nhận của Báo Người Lao Động trước khi cuộc họp diễn ra, đông đảo phóng viên tham dự cuộc họp. Hầu hết các phóng viên đều đeo khẩu trang y tế đến dự họp
Các phóng viên tham dự cuộc họp
Bình luận (0)