Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) chiều 31-1, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp thuộc Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch nhưng mức độ phòng dịch thế nào thì đáp ứng cho hợp lý và khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người. Đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ ghi nhận các ca bệnh xâm nhập không phải ca bệnh lây lan trong cộng đồng.
PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người
Về tình trạng công bố khẩn cấp, Việt Nam chưa bao giờ có sự công bố. "Công bố đó chỉ có tính chất kêu gọi quốc gia chung tay phòng chống dịch bệnh: Đưa ra giải pháp, tạo nguồn lực hợp tác... Đối chiếu ở Việt Nam, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta đã làm các biện pháp rất mạnh để đáp ứng phòng dịch chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị cho nguồn lực, yêu cầu các ban ngành chính quyền vào cuộc... Các động thái này còn làm trước khi có tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp của WHO" - PGS Trần Đắc Phu nói.
Về việc người dân có nên tụ tập đi lễ hội hay không, PGS Trần Đắc Phu cho biết hiện tại virus corona còn nhiều ẩn số. Do đó, nếu không có việc, người dân không nên đến chỗ đông người. Nếu không khẩn cấp cũng không tổ chức các sự kiện đông người. Kể cả lễ hội không cần đi du xuân để có nguy cơ nhiễm bệnh. "Dịch đến đâu Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu, căn cứ vào dịch bệnh lây lan. Còn các trường học chưa có khuyến cáo học sinh nghỉ học vì chưa có ca lây lan ra cộng đồng (5 ca mắc nCoV đều qua vùng dịch Trung Quốc). Còn nếu có sự lây lan khác thì sẽ có các động thái xử lý tiếp theo"- ông Phu nói.
Bộ Y tế họp cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình dịch bệnh
Theo PGS Trần Đắc Phu, nếu học sinh có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế. Trường hợp phát hiện ca bệnh, ngành sẽ cách ly, điều trị và có thể sẽ đưa ra khuyến cáo phù hợp với tình hình. "Chúng ta không được đáp ứng kém nhưng phải đáp ứng hợp lý đối với sức khoẻ, an ninh của người dân" - ông nói.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ngày 31-1, WHO đã chính thức tuyên bố dịch nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Quyết định này được dựa trên một số yếu tố, bao gồm: Nguy cơ lây lan dịch bệnh ra quốc tế và khả năng cần thiết phải có sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn bệnh dịch.
Theo bà Satoko, đại diện WHO, ý nghĩa của việc công bố nhằm mục đích khẳng định chúng ta cần phối hợp toàn cầu, cần sự hỗ trợ nhau để đáp ứng phòng chống dịch bệnh. "Chúng tôi hiểu sự băn khoăn, thắc mắc thậm chí sợ hãi của công chúng sau khi của WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, tôi khẳng định sự công bố này không nâng mức đe dọa của dịch bệnh trên toàn cầu. Chúng ta nhìn thực tế phần lớn ca bệnh chỉ được báo cáo tại Trung Quốc. Tuy đã có ca xâm nhập ra 22 nước khác nhưng chỉ chiếm số ca rất ít. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại hơn tới việc dịch này lây lan sang các nước mà y tế chưa đủ mạnh để đáp ứng việc ngăn chặn dịch bệnh" - bà Satoko nói.
Chuyên gia WHO đánh giá cao Việt Nam trong giám sát phát hiện sớm và cách ly ca bệnh và thấy rất rõ mức độ cao nhất cam kết của chính phủ Việt Nam trong ứng phó và vào cuộc chống dịch bệnh, WHO hoàn toàn tin tưởng năng lực ứng phó của Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch.
Trước đó, WHO đã tuyên bố về Sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu với nCoV. Tại cuộc họp, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào dựa trên thông tin hiện có.
Trước câu hỏi về nguồn cung khẩu trang, khẩu trang y tế đang được đẩy giá, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã tham mưu lãnh đạo Bộ gửi cho hơn 30 đơn vị sản xuất cung ứng khẩu trang y tế. Hiện khó khăn là sau nghỉ tết nhiều doanh nghiệp công nhân chưa quay lại làm việc, chưa đi vào sản xuất. Yêu cầu các đơn vị phải có trách nhiệm bình ổn giá, không bán cho các cơ sở bán hàng đẩy giá, trước mắt đáp ứng cho các cơ sở y tế phòng chống dịch.
Ông Hiếu nhận định năng lực sản xuất của các đơn vị hiện nay đáp ứng được nhu cầu trong nước. Ông Hiếu thừa nhận vài ngày gần đây đã có tình trạng gom hàng và tâm lý người dân để đẩy giá. Bộ Y tế đã và sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để kiểm soát, kiểm tra xử phạt về tình hình tăng giá khẩu trang bất thường.
Theo Bộ Y tế, tính đến 13 giờ 30 ngày 31-1, toàn thế giới đã có 9.833 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và 213 tử vong. Riêng ở Trung Quốc là 9699 ca mắc và 213 ca tử vong đều ở Trung Quốc. Hiện Trung Quốc còn hơn 15.200 ca nghi nhiễm chờ xét nghiệm và hơn 1.500 ca mắc nCoV nguy kịch, hơn 102.000 người đang được theo dõi.
Sẽ miễn cước đến cuộc gọi đến đường dây nóng: 19003228.
Chiều 31-1, ông Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết từ ngày 1-2-2020, ngành y tế sẽ miễn cước đến cuộc gọi đến đường dây nóng: 19003228. Theo ông Trung, trước đó số điện này được bệnh viện sử dụng cho việc đăng ký khám chữa bệnh theo yêu cầu của bệnh viện nhưng trước tình hình dịch, số điện thoại này đã được sử dụng để cung cấp thông tin cho người bệnh.
Cũng trong ngày 31-1, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết để hỗ trợ người dân tiếp cận đường dây nóng 19003228 phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp miễn cước gọi đến số dịch vụ này từ 0 giờ ngày 1-2-2020.
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona (nCoV) mới gây ra với số người nghi nhiễm ngày càng tăng nhanh, Bộ Y tế đã công bố số điện thoại đường dây nóng: 19003228. Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh của độc giả khi gọi vào số đường dây nóng thì cước phí tính là 5.000 đồng/1 phút và cho rằng với mức phí như vậy là quá cao so trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên toàn cầu.
Bình luận (0)