Ngày 15-9, Bộ Y tế đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023". Trước giờ khai mạc, Bộ Y tế đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhắc lại sự việc thương tâm và cho biết ngay sau khi tiếp nhận các nạn nhân vụ cháy, lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp xuống các bệnh viện và chỉ đạo công tác điều trị.
Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện theo dõi sát, tập trung mọi nguồn lực, cung cấp đủ thuốc, vật tư trang thiết bị, dinh dưỡng phục vụ công tác khám chữa bệnh...
Bộ Y tế dành một phút tưởng niệm các nạn nhân vụ cháy chung cư ở Hà Nội trong "Ngày An toàn người bệnh thế giới"
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, an toàn người bệnh được ngành y tế và người dân quan tâm hàng đầu. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới thống nhất chọn Ngày an toàn người bệnh thế giới vào 17-9 hàng năm.
Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.
"Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám chữa bệnh vì thế cũng được an toàn hơn. Đơn cử, việc triển khai các đường dây nóng kết nối trực tiếp đến Bộ Y tế; tổ chức tiếp công dân trực tiếp do các lãnh đạo bộ, cục vụ thực hiện; định kỳ khảo sát hài lòng người bệnh thường quy, tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí truyền thông… để giải quyết những vướng mắc, phản ánh của người bệnh, người dân"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Tại lễ mít tinh, ông Fairlie Shane Francis, Trưởng nhóm truyền thông sức khỏe Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết tổn hại cho bệnh nhân do chăm sóc không an toàn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và khuyết tật trên toàn thế giới với hàng triệu bệnh nhân bị tổn hại mỗi năm.
Ông Fairlie Shane Francis, Trưởng nhóm truyền thông sức khỏe WHO, tại Việt Nam.
Trên thế giới, mỗi phút có 5 trường hợp tử vong do chăm sóc y tế không an toàn. Ước tính chi phí xã hội do tổn hại bệnh nhân có thể lên tới 1.000 tỉ tới 2.000 tỉ USD mỗi năm.
Theo WHO, trong các sự cố này có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: Phơi nhiễm với tia phóng xạ, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác,…
Thông qua thông điệp "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh", WHO kêu gọi các quốc gia cho phép người bệnh và người nhà người bệnh góp ý và chia sẻ các trải nghiệm về dịch vụ khám chữa bệnh, cả dịch vụ an toàn và chưa an toàn; cung cấp cơ sở để cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.
Bình luận (0)