Cho dù được sơ cứu và cấp cứu đúng cách tại bệnh viện (BV), những người bỗng dưng gục ngã do nhồi máu não, xuất huyết não hay nhồi máu cơ tim... cũng chỉ được cứu và hồi phục ở một tỉ lệ khiêm tốn. Có lẽ vì thế mà những “bí kíp” để giúp tăng cơ may sống còn của các bác sĩ... internet được dịp lan truyền.
Cẩn thận với “bí kíp” truyền miệng
Khi status của nickname tên T.T.T được đăng tải trên Facebook, có hàng trăm comment đồng tình, phản đối lẫn tranh cãi xuất hiện chỉ trong vài giờ đầu. Chủ nhân status này khẳng định hoàn toàn có thể dùng những phương pháp dân gian để...đảo ngược tình trạng của một bệnh nhân tai biến mạch máu não.
T.T.T đưa ra ví dụ về một người đàn ông sau khi được châm huyệt đạo 10 đầu ngón tay và dái tai bằng kim may hơ lửa đã dần hết méo miệng, nói lại được, chỉ phải nghỉ ngơi ở BV một đêm rồi quay trở lại công việc. Status còn khẳng định khi gặp nạn, việc mọi người cuống cuồng đưa nạn nhân đi cấp cứu là không nên bởi nếu nạn nhân được chuyển đi bằng xe có thể khiến các mạch máu vỡ thêm nên dễ tử vong hoặc không hồi phục (!?).
Cuộc tranh cãi chỉ dừng lại khi một phụ nữ lên tiếng kể chuyện của mình. Chị cho biết cũng vì nghe theo các “bí kíp” nên thay vì đưa người cha bị tai biến đi BV, chị lại cố giật tóc mai, bấm huyệt, châm đầu ngón tay, cạo gió... Để rồi cuối cùng, cha của chị đã vĩnh viễn ra đi!
Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, việc một người đang sinh hoạt bình thường bỗng dưng gục ngã, bất tỉnh có thể có rất nhiều nguyên nhân. Trong đông y cũng có nhiều phương pháp để xử lý khi có người bất tỉnh nhưng chỉ công hiệu khi đúng người, đúng bệnh.
“Các phương pháp kích thích huyệt đạo phổ biến như giật tóc mai, ấn mạnh hoặc châm kim vào huyệt nhân trung, dùng kim hơ lửa sát trùng rồi châm vào 10 đầu ngón tay (huyệt thập tuyên)... là có thật nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp bất tỉnh vì trúng phong hay vì nguyên nhân tâm lý. Còn nếu nạn nhân ngã do những nguyên nhân nằm ở tim, não thì làm như thế hoàn toàn vô dụng” - ông Bảy giải thích.
Đừng bỏ lỡ “thời gian vàng”
ThS-BS Đỗ Ngọc Chánh, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, lưu ý rằng sự bình tĩnh và xử lý đúng cách khi phát hiện người bỗng dưng gục xuống là rất quan trọng.
Nếu hiện trường an toàn - như tại nhà, tại phòng làm việc... - thì điều đầu tiên là phải gọi to để nhiều người đến trợ giúp. Nạn nhân nên được di chuyển sang giường hay mặt phẳng, để đầu cao khoảng 30 độ và nghiêng sang một bên, cố gắng lay gọi họ. Nếu nạn nhân tỉnh táo thì nên trò chuyện cho đến khi họ tiếp cận được bác sĩ cấp cứu. Nếu nạn nhân không còn tỉnh táo, nên kiểm tra hơi thở của họ bằng cách áp má mình vô mũi, miệng để cảm nhận. Trường hợp nạn nhân ngưng thở, cần nhanh chóng sơ cứu hồi sinh tim phổi bằng cách ép tim, thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) trong lúc chờ xe cấp cứu đến.
Các thao tác sơ cứu phải được làm song song với việc gọi cấp cứu. Trong trường hợp lúng túng ở một thao tác nào hay người sơ cứu chưa rành về cách ép tim, thổi ngạt thì nên hỏi trực tiếp nhân viên tổng đài 115 khi gọi xe. Người trực tổng đài 115 cũng là nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) của Trung tâm Cấp cứu 115. Ngoài việc ghi nhận sự việc, chuyển thông tin người gọi để ê-kíp trực cấp cứu ngoại viện lập tức lên xe và đến hiện trường, họ còn có nhiệm vụ hướng dẫn cách xử lý ban đầu, sơ cứu cho nạn nhân. Vì vậy, việc cung cấp thông tin chính xác về tình trạng người bệnh, làm theo hướng dẫn và để lại một số điện thoại chính xác là những điều rất cần thiết.
Riêng trường hợp nạn nhân ngã gục khi đang đi trên đường, sau tai nạn giao thông hay tai nạn lao động thì cần bảo đảm an toàn hiện trường song song với việc sơ cứu, như ngắt nguồn điện, cảnh báo các phương tiện giao thông... Trường hợp nạn nhân ngất sau va chạm mạnh, ngã từ trên cao...thì nên để yên, không di chuyển cho đến khi đội cấp cứu tới vì không loại trừ trường hợp chấn thương cột sống. Việc di chuyển vội vã có thể khiến nạn nhân ngưng thở nếu có chấn thương cột sống cổ hay tổn thương dẫn đến liệt nếu có chấn thương cột sống thắt lưng.
Đừng chờ nạn nhân hồi tỉnh!
Theo lương y Đinh Công Bảy, quan điểm truyền miệng cho rằng do những chấn động khi nạn nhân nằm trên xe cấp cứu sẽ khiến tình trạng tai biến nặng thêm nên người nhà không đưa đến BV mà cố làm họ tỉnh lại là hoàn toàn sai lầm.
Trong trường hợp người bất tỉnh do trúng phong, sang chấn tâm lý… thì khi kích thích huyệt đạo, họ sẽ tỉnh lại ngay lập tức. Còn nếu họ bị nhồi máu cơ tim, nhồi máu não hay xuất huyết não thì có làm gì cũng không thể tỉnh lại, thậm chí càng chần chừ càng khó cứu. Nếu không rõ nạn nhân gục xuống vì nguyên nhân gì thì nên đưa họ đi cấp cứu ngay. Với những người từng bị đột quỵ, người thân nên chú ý vì điều đó có thể lặp lại. Người nhà cũng nên đi học một khóa sơ cấp cứu để biết cách xử lý lúc hữu sự.
Bình luận (0)