Từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Riêng từ ngày 27-6 đến 2-7 đã có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (huyện Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc. Bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong.
Bệnh diễn biến cấp tính
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3612/BYT-DP về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu gửi UBND tỉnh Kon Tum. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong. Tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vắc-xin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, bảo đảm trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (TD). Đồng thời, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, tiểu học và THCS, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin đúng lịch để ngừa bệnh cho trẻ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Không tiêm đủ mũi vắc-xin
Bác sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng chương trình Tiêm chủng quốc gia, cho biết số ca bệnh bạch hầu chắc chắn sẽ còn ghi nhận lẻ tẻ ở các địa phương trong thời gian tới. Hầu hết những người mắc bệnh là trẻ trên 10 tuổi và người lớn. Theo bác sĩ Huyền, qua điều tra kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy hầu hết các ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc-xin phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm. "Năm 2019 tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 (có chứa thành phần bạch hầu) bị ảnh hưởng và nhóm những người ở độ tuổi lớn có thể chưa tiêm vắc-xin trước đây hoặc tiêm nhưng quá lâu nên khả năng miễn dịch đã giảm. Vì vậy tỉ lệ mắc bệnh ở những người lớn đang có dấu hiệu tăng lên" - bác sĩ Huyền lý giải. Qua điều tra các trường hợp mắc bệnh bạch hầu vừa qua ở Đắk Nông cho thấy bệnh đã xuất hiện ở nhiều trường hợp trẻ trong độ tuổi vừa bước qua tuổi tiêm chủng mũi bạch hầu.
Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang đối tượng trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có định hướng triển khai tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu, vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ lớn và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng. Hiện Việt Nam có vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (TD) phòng bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ lớn vào lúc 7 tuổi có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh.
Theo bác sĩ Huyền, hiện Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân cần tiêm đủ 5 mũi phòng bệnh bạch hầu để bảo đảm hiệu quả miễn dịch, thậm chí nhiều quốc gia còn khuyến cáo tiêm 6 mũi, một số quốc gia cứ 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi để bảo đảm phòng bệnh. Vì vậy, để khống chế dịch bạch hầu một cách triệt để, trong đó có đối tượng người lớn càng ngày miễn dịch càng giảm, lịch tiêm chủng cần có những điều chỉnh cho phù hợp. Việc tiêm nhắc lại cho trẻ lớn (giai đoạn 7 tuổi) cũng như tiêm vắc-xin cho người lớn là rất quan trọng; cần tuyên truyền cho người dân hiểu việc đi tiêm vắc-xin là những biện pháp bảo đảm đầy đủ để khống chế được tốt bệnh bạch hầu trong thời gian tới.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), TD) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc-xin SII hoặc ComBe Five trong chương trình Tiêm chủng mở rộng: mũi 1: tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2: sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3: sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
Bình luận (0)