Chiều 5-7, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết 9/24 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi V. (6 tuổi, trú làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) được xác định dương tính với bệnh bạch hầu.
Cháu V. là bệnh nhi được phát hiện mắc bệnh bạch hầu đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Ngày 28-6, cháu V. có biểu hiện ho, sốt nhưng gia đình không đưa tới cơ sở y tế chữa trị mà tự mua thuốc về nhà uống. Sau nhiều ngày điều trị không khỏi, ngày 3-7, cháu được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa chữa trị với chẩn đoán áp xe amidal thành họng. Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Gia Lai. Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh Gia Lai thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Đến ngày 4-7, kết quả xác định bệnh nhi V. dương tính với bạch hầu. Đáng tiếc là do bệnh trở nặng, cháu V. tử vong vào sáng 5-7 khi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai.
Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cháu V. đã được tiêm chủng đầy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngay sau khi xác định bệnh nhi V. mắc bệnh bạch hầu, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu bệnh phẩm của 24 người tiếp xúc gần với bệnh nhi V. gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm với kết quả 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu như nói trên. Đây là những bệnh nhân tiếp xúc gần với cháu V. như cha, mẹ, họ hàng và một số người ở làng Bông Hiot. Những người này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Nhi Gia Lai, đều có biểu hiện sốt nhẹ.
Tổ chức khám sàng lọc ở xã Hải Yang vào ngày 5-7 Ảnh: MAI CHIẾN
Như vậy, đến thời điểm này, Gia Lai đã ghi nhận 10 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong.
Ngay sau khi có kết quả trên, sáng cùng ngày, đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cùng ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã khảo sát và triển khai các biện pháp khẩn cấp chống dịch.
Ông Mai Xuân Hải cho biết trước mắt ngành y tế sẽ tập trung khám sàng lọc, điều trị kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang. Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Tại khu vực cửa ngõ ra vào làng Bông Hiot, huyện Đắk Đoa đã thành lập chốt kiểm dịch, hạn chế người ra vào để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra đối tượng chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, lập kế hoạch tổ chức tiêm vét vắc- xin phòng bệnh bạch hầu. Sở Y tế tỉnh Gia Lai còn đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ vắc-xin để triển khai tiêm phòng cho người dân trong thời gian tới.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Bộ Y tế cũng vừa có công điện yêu cầu Sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 6-2020 đến nay, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận hàng chục trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, đã có trường hợp tử vong. Để hạn chế tới mức thấp nhất số tử vong, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ bệnh không để lan rộng và kéo dài.
Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, ngành y tế các tỉnh có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền; phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Bình luận (0)