Nghiên cứu do Tiến sĩ Miguele Bigotte Vieira (thuộc Bệnh viện Trung tâm Bắc Lisbon) đứng đầu đã khảo sát trên 2.300 người tình nguyện trong vòng 12 năm. Cuối cùng, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận về công dụng mới của cà phê.
Cà phê có thể hỗ trợ điều trị bệnh thận - Ảnh: INTERNET
Cụ thể, nguy cơ tử vong do bệnh thận tỉ lệ nghịch với số tách cà phê bệnh nhân uống, với liều tối đa được khuyến cáo là 3 tách mỗi ngày. Với 1 tách hàng ngày, nguy cơ tử vong sớm giảm 12%; 2 tách sẽ giảm được 22% và 3 tách sẽ giảm đến 25%.
Tất nhiên, việc bệnh nhân có thể chống chọi bao lâu với căn bệnh vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như tuổi, giới tính, di truyền, thu nhập gia đình, giáo dục, huyết áp cao, tình trạng hút thuốc, BMI, chế độ ăn uống và sử dụng rượu…
Cà phê vốn được biết đến như một thức uống có lợi nhiều mặt cho sức khỏe, bao gồm lợi tiểu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến nó trở nên thần kỳ với bệnh nhân suy thận là nó có thể đánh bại phần nào các cơn đau tim và đột quỵ- nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người bệnh thận, bởi căn bệnh này dẫn đến sự tích tụ mỡ trong lòng động mạch.
Cà phê và các thức uống chứa caffeine khác như trà đã được chứng minh giúp giảm nguy cơ nhiều bệnh như tim mạch, sa sút trí tuệ, các vấn đề rối loạn chuyển hóa… nếu bạn dùng ở mức vừa phải. Dùng quá liều có thể gây nên những vấn đề về tim mạch, rối loạn lo âu.
Theo khuyến cáo của Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu, liều dùng tối đa của một người lớn là 400 mg caffeine mỗi ngày, phụ nữ mang thai thì chỉ nên dùng một nửa (200 mg). Với trẻ em, liều giới hạn là 3 mg/1 kg cân nặng, tương đương 2 ly trà sữa mỗi ngày cho bé 4 tuổi.
Bình luận (0)