19 giờ ngày 17-3, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) tiếp nhận sản phụ Lê Huỳnh Anh Thư (SN 1985) mang thai 33,5 tuần tuổi và kết quả khám tại một phòng khám tư trước đó cho thấy tứ thai. Khi tử cung sản phụ mở 3 cm, có dấu hiệu chuyển dạ nhưng không thấy tim thai và bé đầu tiên được quan sát là thai ngôi mông, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con và lấy ra 5 trẻ (3 trai, 2 gái) cân nặng lần lượt là 2 kg - 1,3 kg - 1,8 kg - 1,5 kg - 1,3 kg.
Các cháu bé trong ca sinh 5 đang được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ
Mang thai ngay khi kích thích phóng noãn
Các cháu bé trong ca sinh 5 đang được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: PHẠM DŨNG
Rất may mắn
Với số cân nặng của các bé khá thấp và thời gian mang thai chỉ có 33,5 tuần tuổi nhưng vẫn “mẹ tròn con vuông”, theo các bác sĩ, đó là nỗ lực và rất may mắn cho chị Thư. TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy chia sẻ: “Sản phụ may mắn không gặp bất cứ tai biến nào khi sinh nở. Con số 33,5 tuần thai đối với một ca sinh 5 cho thấy chị Thư và gia đình đã chăm sóc, giữ gìn thai rất tốt”.
Theo TS-BS Vũ Tề Đăng, Phó trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, sức khỏe của các cháu bé khá tốt so với các trẻ sinh non và sinh đôi trở lên. Hiện có hai bé (1 trai, 1 gái) cùng nặng 1,3 kg là yếu nhất, gặp vấn đề về hô hấp nên phải hỗ trợ thở ô xy và chăm sóc đặc biệt nhưng chưa thấy biến chứng nguy hiểm khác; 3 bé còn lại có tình trạng hô hấp và tiêu hóa tốt, cũng đang được theo dõi tại khoa; một vài bé có biểu hiện vàng da nhưng đó cũng là tình trạng thường thấy ở trẻ sinh non nên chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, tất cả các cháu đều cần được theo dõi sát về vàng da, phản xạ… một thời gian, cháu nào khỏe thì về với mẹ.
Chưa có quy định giữ bao nhiêu thai Theo PGS-TS Quản Hoàng Lâm, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ phôi (Học viện Quân y), trong hỗ trợ sinh sản, có 2 phương pháp chủ yếu là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Thụ tinh trong ống nghiệm có thể dẫn đến trường hợp mang đa thai vì nhiều nơi, các bác sĩ thường cấy phôi vào cơ thể người mẹ dự trù từ 2 phôi trở lên. “Mang thai đôi đã là nguy hiểm chứ nói gì tới mang tới 4-5 thai. Trong trường hợp đa thai, bác sĩ đều tư vấn cho bệnh nhân tốt nhất chỉ nên giữ lại 1, 2 hoặc cao nhất là 3 bé” - TS Lâm chia sẻ và cho biết Việt Nam chưa có quy định nào về việc giữ lại bao nhiêu thai cho những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm. Ở nhiều nước trên thế giới quy định không cho phép mang đa thai là quá 2 thai vì những nguy cơ cho cả bà mẹ và thai nhi. TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho rằng tiến bộ của y học là thực hiện thành công các biện pháp hỗ trợ sinh sản, giúp cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha, mẹ nhưng tiến bộ hơn nữa là cần khống chế đa thai. TS Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, khuyến cáo sản phụ mang từ trên 2 thai trở lên cần sự chăm sóc đặc biệt vì lúc này tử cung của bà mẹ sẽ phải chịu tải lớn. Với các trường hợp thụ tinh nhân tạo cấy phôi vào buồng tử cung cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, ngay khi có thai cần khám sớm trước 8 tuần tuổi để được theo dõi về sức khỏe mẹ, về phôi thai để bác sĩ có chỉ định phù hợp trong việc giảm thiểu phôi thai giúp bà mẹ giảm số con/một lần sinh, giúp an toàn hơn cho sức khỏe của bà mẹ và các bé.
Ngọc Dung |
Bình luận (0)