7 giờ 30 sáng 31-1 (29 Tết), tôi theo chân bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương (TP HCM), vào ca trực.
Trái với không gian đậm sắc màu Tết với nhiều hàng hoa trải dài trên đường Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành ngay bên ngoài bệnh viện, bên trong ICU Covid-19 vẫn là một ngày như mọi ngày.
Điều khiến các bác sĩ, điều dưỡng vui mừng là Khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 với 48 giường nay chỉ còn 20 giường là có người nằm
Tuy vậy, với 20 bệnh nhân hồi sức , các bác sĩ và điều dưỡng vẫn rất vất vả bởi tiêu hao nhân lực hơn bệnh nhân Covid-19 nhẹ và trung bình nhiều lần. Trong số đó, nhiều bệnh nhân hoàn toàn hôn mê và đa số nằm liệt giường, đòi hỏi chăm sóc toàn diện.
Giữa âm thanh dồn dập của hàng loạt thiết bị hỗ trợ sự sống - mà tôi từng mô tả là "bản giao hưởng sinh tử" trong lần đầu tiên đến đây, đầu ca trực sáng là khoảng thời gian các bác sĩ, điều dưỡng kiểm tra lại sức khỏe từng bệnh nhân, cho họ uống thuốc.
Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên theo dõi các thiết bị để điều chỉnh và làm những thao tác chuyên môn cần thiết. Bởi lẽ, Covid-19 là căn bệnh có diễn biến nhanh, khó lường và ca trực nào cũng như một ca trực cấp cứu dồn dập.
Gần hết buổi sáng, điều dưỡng Lê Thanh Ngọc Mỹ Linh làm việc với cánh tay giơ cao. Đây là cách chăm sóc bệnh nhân mê man, phải thở máy xâm lấn uống thuốc và ăn uống: toàn bộ đều phải nghiền nhỏ thành dung dịch, đổ từng chút một vào ống sonde dạ dày.
Không khí tất bật tại ICU Covid-19 của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương
Điều dưỡng Nguyễn Thị Diệu cho biết Tết này, toàn bộ việc chuẩn bị cho gia đình lẫn con nhỏ, chị đành giao phó cho cha mẹ bởi lịch trực của chị xuyên Tết.
Điều dưỡng Lê Thanh Ngọc Mỹ Linh cũng chỉ biết cười khi được hỏi về việc chuẩn bị Tết ở nhà. Công việc của họ vẫn đều đặn, tất bật như gần 8 tháng qua.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Diệu đang chăm sóc một bệnh nhân phải thở máy xâm lấn
Những bóng áo bảo hộ trắng di chuyển liên tục trong ca trực
Theo bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, đây là giai đoạn bệnh nhân giảm thấp nhất trong suốt gần 8 tháng Bệnh viện Trưng Vương được chuyển đổi công năng hoàn toàn thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương.
Trong số 20 bệnh nhân còn nằm lại, 8 người đã gần hoàn tất hành trình gian nan, sẽ được xuất viện trong các ngày tới. Với bệnh nhân Covid-19 nặng, sau khi âm tính, họ còn cần một thời gian dài để hồi phục sức khỏe, phải tập luyện, phải được chăm sóc. Vì thế, việc người nhà sẵn sàng hay chưa cho việc hỗ trợ bệnh nhân hồi phục cũng là điều kiện để họ được xuất viện sớm hay muộn.
Cũng có những bệnh nhân khiến nhân viên y tế phải chạnh lòng, như một người đàn ông từ Sa Đéc đã mất cha, mẹ và vài người thân khác vì Covid-19. Gia đình ông khi bắt đầu xuất hiện người bệnh vẫn chưa được tiêm đủ vắc-xin nên đều bệnh nặng. Bệnh nhân này được chuyển đến TP HCM như niềm hy vọng cuối cùng nên các y - bác sĩ quyết cứu ông bằng được.
Một bệnh nhân được chuyển giường để tiện cho việc chăm sóc
Hầu hết bệnh nhân tại ICU đều được điều trị trong nhiều tháng ròng bởi đây là khoa tập trung những bệnh nhân nặng nhất, làm nhiệm vụ của "tầng 3" dù tổng thể bệnh viện thì được xếp vào tầng 2 trong tháp điều trị.
Khoa ICU này vốn là ICU Covid-19 thứ 2 trong những ngày chuyển đổi công năng, được xây thêm cấp tốc từ tháng 9, hoàn thành vào tháng 10-2021.
Hồ sơ của các bệnh nhân đều rất dày vì bệnh nhân Covid-19 nặng có thời gian điều trị rất lâu
Niềm vui đặc biệt của cả khoa sáng 29 Tết là bà Đ.K.C. (58 tuổi), bị Covid-19 rất nặng trên nền xuất huyết giảm tiểu cầu, được xuất viện. Nhận được tin xuất viện lúc 9 giờ sáng, bà vui mừng thay đồ, xếp dọn tư trang. Bà C. vui vẻ cho ghi hình vì quá hạnh phúc và biết ơn các y - bác sĩ.
Bà C. cho biết ngày được đưa vào bệnh viện, bà đã ngất xỉu và còn ám ảnh cảm giác thở không được, như có ai bóp nghẹn. Nhưng quyết phải sống, bà đã cố gắng vận động, trở mình ngay khi vừa có ý thức trở lại.
Bà C. xếp dọn, thay xong quần áo chỉ trong vòng 10 phút sau khi biết tin người nhà đang tới đón
Khoảnh khắc đưa bà C. ra xe về nhà là niềm vui đối với các nhân viên y tế trong ca trực cuối năm. Bên kia đường, các hàng hoa, đồ trang trí Tết vẫn tấp nập người mua bán
Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình chia sẻ về những hy vọng cho năm mới
Theo TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, khoa ICU này sẽ là một trong các đơn vị giữ nguyên chức năng điều trị Covid-19 sau khi bệnh viện được phục hồi công năng. Kế hoạch để thành lập một khu điều trị Covid-19 "3 tầng" đã được chuẩn bị từ lâu song song với việc "xanh hóa" dần bệnh viện để chuẩn bị tiếp đón lại bệnh nhân bình thường, theo kế hoạch chung của ngành y tế TP HCM.
Như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại đây sẽ còn dài. Tuy nhiên, khác với những lần ghé thăm trước, tôi đã nhận thấy ở họ sự tự tin, bình tĩnh, tinh thần cũng tốt hơn theo sự chuyển mình của thành phố, khi dần bớt bệnh nhân nặng.
Những khung cửa sổ của khoa ICU Covid-19 này hướng ra hàng cây xanh mát của đường Tô Hiến Thành là chủ ý của các y - bác sĩ, bởi người nằm trên giường bệnh có thể nhìn ra khung trời bình yên đó để có thêm sức mạnh, thêm hy vọng
Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình cho biết đã 10 ngày nay, anh và các đồng nghiệp không phải đặt thêm nội khí quản cho bệnh nhân nào nữa, dàn ECMO thì đang được "nghỉ ngơi"... Khi tôi hỏi về ước vọng năm mới, họ đều nói: "Mong bình an"!
Bình luận (0)