Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, BV Nhi Đồng 1, biểu đồ tay chân miệng trong vài tuần vừa qua có xu hướng "đi ngang", tức không có sự tăng giảm rõ rệt. Theo chu kỳ của bệnh, dự kiến đến giữa tháng 11 bệnh mới có xu hướng giảm dần và đến tháng 12 mới có thể gọi là hết mùa.
Một cháu bé đang được kiểm tra ở khu vực tiếp nhận bệnh của khoa Nhiễm - thần kinh - BV Nhi Đồng 1 - ảnh: ANH THƯ
Cận cảnh một trong các phòng khám sởi - tay chân miệng được nâng cấp trên nền hội trường cũ từ trước mùa dịch. Một cháu bé được mẹ tranh thủ cân trước phòng khám - ảnh: ANH THƯ
Tại khoa Nhiễm – thần kinh những ngày gần đây có trung bình 150-180 bệnh nhi tay chân miệng nằm nội trú và vẫn xuất hiện những ca nặng như độ 2b, độ 3, độ 4. Ghi nhận tại khu vực phòng khám, giấc khám buổi chiều tại BV này không đông nhưng trong đó vẫn có khá nhiều phụ huynh đưa con đi khám và tái khám bệnh tay chân miệng.
Một em bé được kiểm tra sơ bộ trước khi vào phòng khám - ảnh: ANH THƯ
Để bảo đảm việc tiếp nhận bệnh nhân, từ trước mùa bệnh trẻ em, BV này đã tiến hành cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi công năng một số khu vực hành chính cũ thành phòng bệnh, phòng khám để giảm tải cho khoa Nhiễm và khu vực phòng khám.
Đăng ký khám bệnh tại BV Nhi Đồng 1 - ảnh: ANH THƯ
Tại khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, chỉ trong vòng buổi sáng 10-10 đã có khoảng 40 bé nhập viện vì bị TCM. Ths- BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 cho biết, tình trạng bệnh TCM đến thời điểm hiện tại chưa thấy đỉnh và điểm dừng.
Một ca bị TCM độ 4 đang điều trị tại BV Nhi đồng 2- ảnh: TRỊNH THIỆP
Trong tháng 9, mỗi ngày nhập viện 50 ca, thì nay số ca đã tăng lên đến 130 ca/ngày. Trong đó, số ca bệnh nhi mắc bệnh TCM ở các tỉnh chiếm đến 70%, cụ thể như Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Bình Dương… Trong đó có nhiều ca nặng cấp độ 4 phải thở máy, lọc máu…
Một bé vừa nhập viện vì TCM- ảnh: TRỊNH THIỆP
Ths-BS Nguyễn Thành Đạt, Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Đồng 2, nhận định hiện các ca bệnh TCM trên địa bàn TP được kiểm soát chặt chẽ hơn các tỉnh thành vì có sự tư vấn nhiệt tình của BS về mức độ lây lan cho người nhà bệnh nhi, cũng như việc giải quyết diệt khuẩn khi phát hiện có ca bệnh TCM mới xảy ra, nên tình trang bệnh TCM trên địa bàn TP lây lan không nhiều. Cụ thể, hệ thống phòng khám ở các quận huyện trong TP kết nối nhau, khi một nơi có dịch bệnh sẽ được báo cáo lên Khoa, phòng, TT Y tế dự phòng… được cập nhật liên tục, những nơi có ca bệnh sẽ được tư vấn, phòng chống dịch đến người dân.
BV Nhi đồng 2 quá tải, phải kê giường ở hành lang- ảnh: TRỊNH THIỆP
Tại BV Nhi đồng Thành phố (TP HCM), BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV cho biết tính đến 10-10, bệnh viện có 58 bé nằm điều trị nội trú và mỗi ngày có thêm khoảng 20 bé nhập– xuất viện trong ngày tại khu vực điều trị trong ngày. Số lượt bệnh nhân khám hàng ngày của BV Nhi đồng Thành phố cũng tăng trong thời gian gần đây. Nếu ngày trước khoảng 1.200-1.500 bệnh nhân thì hiện lên đến 1.900-2.000 lượt, số tăng thêm này ngoài tay chân miệng còn một số bệnh khác như hô hấp, sởi, sốt xuất huyết.
BS Tiến và BS Khanh đồng quan điểm rằng tay chân miệng là mối lo lớn nhất hiện nay, còn bệnh sởi từ lâu đã trong tầm kiểm soát, số ca mắc không nhiều và có thể điều trị tốt.
Bình luận (0)