Giảm tác hại thuốc lá: Chiến lược của ngành y tế
Theo WHO, trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong/năm do hút thuốc lá. Theo David Khayat, nguyên Viện trưởng Viện Ung thư Pháp chia sẻ rằng trong một thế giới lý tưởng, tất cả người dùng nên cai thuốc lá điếu đốt cháy hoàn toàn. Thực tế, khoảng 8% người hút thuốc cai nghiện thành công. Tại Việt Nam, có 90% số người tái nghiện sau khi tự cai thuốc lá. GS. Riccardo Polosa, giáo sư khoa nội Đại học Catania; người sáng lập Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the acceleration of Harm Reduction - CoEHAR) cho biết hầu hết những người hút thuốc lá mắc COPD vẫn quyết định không cai thuốc lá điếu đốt cháy.
Tỷ lệ cai thuốc lá còn thấp dù chất độc hại trong khói rất cao
Cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp thông tin cho những người hút thuốc về các sản phẩm giảm tác hại. Điều đó sẽ làm giảm nguy cơ đến từ việc hút thuốc lá điếu đốt cháy xuống mức tối thiểu.
Jasjit S Ahluwalia, Giáo sư Y khoa tại Đại học Brown (Hoa Kỳ) phân tích về khái niệm giảm thiểu tác hại cũng giống như việc thắt dây an toàn và đội mũ bao hiểm khi tham gia giao thông. Ông chia sẻ, cũng như ủng hộ việc tiêm chủng an toàn hay việc duy trì sử dụng biệt dược methadone (biệt dược giúp hỗ trợ cai nghiện heroin), ông ủng hộ hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá.
Giảm tác hại trong thuốc lá chính là tìm những sản phẩm thỏa mãn điều kiện thay thế cho thuốc lá điếu. Điều kiện tiên quyết đầu tiên là loại bỏ hàm lượng các chất gây hại do hút thuốc lá và được những người hút thuốc chấp nhận. Đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá "công nghệ" (thuốc lá thế hệ mới) có hàm lượng các chất gây hại ít hơn nhiều lần so với thuốc lá điếu đốt cháy. Những nghiên cứu này được công bố không nhằm mục đích khuyến khích hành vi tiếp tục hút thuốc và những sản phẩm gây nghiện, nhưng có ý nghĩa to lớn đối với những người lựa chọn tiếp tục hút thuốc. Bởi nếu được chuyển đổi sớm hoàn toàn, nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh lý ung thư và gánh nặng bệnh tật do tiếp tục hút thuốc lá điếu sẽ giảm đi đáng kể. Điều này giúp cho ngành y tế có thêm giời gian thuyết phục người hút thuốc lá cai bỏ hoàn toàn.
Độc chất trong thuốc lá thế hệ mới: thấp hơn đáng kể so với thuốc lá điếu
Nhiều chuyên gia và nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá thế hệ mới) mặc dù không hoàn toàn vô hại, nhưng giảm thiểu đáng kể hàm lượng độc chất so với thuốc lá điếu đốt cháy. Từ đó giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn bệnh ung thư, hạn chế sự phát triển của khối u ác tính. Tuy nhiên, mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng của thuốc lá thế hệ mới liên quan tới vấn đề về khói thuốc lá chỉ xảy ra với điều kiện thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), thuốc lá điện tử và các sản phẩm không khói cụ thể nào đã được khoa học kiểm chứng và được quản lý phù hợp để những người đang hút thuốc lá điếu đốt cháy chuyển đổi.
GS. Mikheil Tsverava lý giải các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ít có hại hơn vì không chứa các hợp chất tạo ra do quá trình đốt cháy. Còn GS. Riccardo Polosa nhận định, theo các báo cáo về độc chất học, sản phẩm thuốc lá làm nóng ít gây hại hơn 80-90% so với thuốc lá điếu đốt cháy. Một nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận tương tự, liên quan đến thuốc lá điện tử. GS. Jasjit S Ahluwalia cho biết nhóm nghiên cứu của ông quan sát thấy sự giảm thiểu đáng kể, có ý nghĩa thống kê và trên lâm sàng đối với các tác nhân gây ung thư có trong thuốc lá thế hệ mới, so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Nghiên cứu của Bekki và cộng sự (2017) đăng trên tạp chí của Trường Đại học Sức khỏe và Nghề nghiệp Nhật Bản chỉ rõ, hàm lượng tar (nhựa thuốc lá), nicotin và cacbon monoxit trong thuốc lá làm nóng thấp hơn nhiều lần so với thuốc lá điếu đốt cháy. Cụ thể: hàm lượng tar trong thuốc lá làm nóng là 9,8 so với 25,2 của thuốc lá điếu; hàm lượng nicotin là 1,1 so với 1,7; hàm lượng cacbon monoxit (CO - chất gây ra các bệnh hô hấp do hút thuốc lá) chỉ có 0,44 so với 33,0.
Tại Việt Nam, đến nay chưa thực hiện bất kỳ nghiên cứu khoa học chính thống nào về khả năng giảm thiểu tác hại của những sản phẩm này. Một số chuyên gia y tế cho rằng, tác dụng lâu dài có làm giảm tần suất COPD hay ung thư phổi cần có theo dõi một thời gian dài mới chứng minh được. Trong một lần phỏng vấn báo chí, PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM cho biết, về mặt logic, với nồng độ những chất gây COPD hay ung thư trong thuốc lá làm nóng thấp hơn nhiều so với thuốc lá điếu đốt cháy thì khả năng gây bệnh cũng sẽ giảm theo.
Bình luận (0)