Ánh nắng mặt trời có nhiều loại tia, tùy theo bước sóng. Đáng chú ý là tia hồng ngoại và tia cực tím (UV). Phơi nắng nhiều ngoài trời dễ bị tác động của tia hồng ngoại làm da cháy nắng, phỏng nắng. Bên cạnh đó, da còn bị ảnh hưởng bởi tia UV. Tắm nắng tốt nhất là vào mùa hè, từ 6-8 giờ, lúc này ánh nắng sẽ biến tiền vitamin D ở da thành vitamin D hấp thu vào cơ thể giúp chống còi cọc ở trẻ em, cố định canxi ở xương, làm xương chắc khỏe và phòng ngừa loãng xương. Ngoài ra, các bệnh nhân lao cũng được khuyên phơi nắng buổi sáng để diệt các vi khuẩn lao mà họ ho khạc ra ngoài không khí.
Tia UV có 2 loại: UVA và UVB. Tia UVB được ADN của tế bào hấp thu và gây rối loạn cho hiện tượng nhân đôi dẫn đến đột biến. Nếu biến đổi không quan trọng, tế bào sẽ có khả năng phục hồi các tổn thương. Nếu các biến đổi trầm trọng, tế bào mất khả năng sửa chữa và các đột biến sẽ truyền lại cho các tế bào con. Khi các đột biến liên quan đến các gien ức chế ung thư, các gien kiểm soát sự tăng sinh tế bào thì đó là bước khởi đầu cho hiện tượng ung thư hóa.
Tia UVA không được ADN hấp thu nhưng nó tác động tạo ra các phân tử độc hại cho tế bào. Tia UVA tạo ra các gốc tự do, gia tăng sự lão hóa và nguy cơ mắc ung thư. Vì vậy, cần tránh ánh nắng có hại bằng cách:
- Vào những lúc trời nắng gắt, khoảng 11-16 giờ, phải tìm bóng râm để nghỉ. Không cho trẻ em chạy chơi ngoài nắng, phơi mình ngoài trời, tắm trong nước có ánh nắng rọi vào.
- Áo quần là phương tiện bảo vệ cơ thể chống lại các tia UV, chống ánh nắng mặt trời, là phương pháp hữu hiệu hơn các sản phẩm chống nắng khác trên thị trường. Áo màu trắng ít hút ánh nắng hơn áo màu đậm nên mặc dễ chịu hơn. Tuy nhiên, áo màu đậm chống tia UV tốt hơn.
- Các phụ kiện cần trang bị là kính mát, đặc biệt là kính chống tia UV để bảo vệ mắt. Đội mũ rộng vành để che mặt, cổ, ót. Sử dụng các loại kem, dầu chống nắng, đặc biệt là các loại chống được tia UV.
- Dùng những thực phẩm mát như nước rau má, nước bí đao, cà chua, dưa hấu; thức ăn giàu vitamin E như giá đỗ, đậu nành…
Bình luận (0)